Giảm 50% phí trước bạ, ngân sách giảm thu 3.700 tỷ đồng

Công nhân TC Motor lắp ráp xe ô tô tại nhà máy ở Ninh Bình. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Công nhân TC Motor lắp ráp xe ô tô tại nhà máy ở Ninh Bình. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - Theo ước tính của Bộ Tài chính, với việc miễn giảm nhiều khoản thuế, phí hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đến hết năm 2020, ước tính ngân sách Nhà nước giảm thu gần 5.000 tỉ đồng. Cùng với kiến nghị từ các hiệp hội nước ngoài, Bộ Tài chính đề xuất việc giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ áp dụng đến hết năm 2020.

Giảm 50% phí trước bạ, ngân sách giảm thu 3.700 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa có văn bản 14246 gửi Thủ tướng báo cáo về việc thực hiện các chính sách miễn giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tác động của dịch COVID-19, đồng thời đưa ra các kiến nghị liên quan đến việc thực hiện trong năm 2021.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Tài chính,  Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP (NĐ 70) quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.

 Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2020 về lệ phí trước bạ. Nghị định này sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.

 Ước tính của Bộ Tài chính, với việc giảm 50% phí trước bạ, ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 3.700 tỷ đồng.

 “Giải pháp trên có tính ngắn hạn nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 84 của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, Đại sứ quán một số nước (Indonesia, Thái Lan) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) có ý kiến và gặp Bộ Tài chính kiến nghị về việc phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước”, Bộ Tài chính cho hay.

 Do đó, Bộ Tài chính trình đề xuất Chính phủ khi NĐ 70 hết hiệu lực (từ ngày 1/1/2021) thì không tiếp tục xem xét kéo dài.

 Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), với 33.254 xe bán ra, tháng 10/2020 trở thành tháng bán nhiều xe nhất trong vòng 21 tháng trở lại đây, đây được xem là con số kỷ lục trong năm 2020. Doanh số bán xe tháng 10 tăng 22% so với tháng trước, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Trong 33.254 xe bán ra của các thành viên thuộc VAMA, ô tô du lịch chiếm 25.339 xe (tăng 23%), xe thương mại chiếm 7.528 xe tăng (17%) và xe chuyên dụng chiếm 387 xe (tăng 71% so với tháng trước đó).

 Xét theo cơ cấu thị trường, sản lượng của xe lắp ráp trong nước tháng 10 đạt 20.498 xe (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái), sản lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.756 xe, (tăng 1,7%).

Kiến nghị gia hạn thêm 6 tháng nhiều khoản phí

Theo văn bản 14246 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký gửi Thủ tướng, đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ, ngoài NĐ 70 còn có NĐ 22 quy định miễn lệ phí môn bài đối với nhiều đối tượng như: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; miễn lệ phí năm đầu đối với doanh nghiệp (DN), hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới.

Với việc thực hiện NĐ 20, tổng số lệ phí ước giảm thu NSNN khoảng 200 tỷ đồng/năm.

 Đối với khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, bộ này đã ban hành 21 Thông tư điều chỉnh mức thu (giảm) phí, lệ phí, với mức giảm cao như: giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; ... Các Thông tư này sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021. Tổng số phí, lệ phí ước giảm thu khoảng 1.000 tỷ đồng khi thực hiện 21 thông tư trên.

 Đối với khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền địa phương, Bộ Tài chính cho biết, đã có nhiều địa phương điều chỉnh giảm phí, lệ phí như: Đà Nẵng (giảm 100% phí thăm quan trong tháng 6, 7, 8/2020); Hải Phòng (giảm 8-30% phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu); Kom Tum (giảm 70% phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu); Hòa Bình, Thái Bình (giảm 50-100% các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền);...

 Theo nhận định của Bộ Tài chính, kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, làm suy giảm dòng vốn đầu tư, thương mại, nguồn nhân lực, các kết nối cung ứng và ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng.

 Xu thế cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt, cản trở sự phục hồi thương mại, đầu tư toàn cầu. Điều kiện kinh tế - xã hội trong nước hiện còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như: du lịch, hàng không,...

 Từ các căn cứ trên, để tiếp tục hỗ trợ DN và người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng đến hết ngày 30/6/2021 đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm năm 2020 (tại 21 Thông tư của Bộ Tài chính nêu trên).

 Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện; rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; gửi Bộ Tài chính theo quy định.

 Trên cơ sở đó, sau khi có ý kiến của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực kể từ ngày ký, để kịp thời tiếp tục hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG