Giải quyết vướng mắc thanh toán BHYT vì quyền lợi người bệnh

0:00 / 0:00
0:00
Chiều 2/8, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB Bảo hiểm y tế (BHYT), vì quyền lợi người bệnh. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế để cùng phối hợp thực hiện.

Trước đó, BHXH Việt Nam đã cử các đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, TPHCM và Đồng Nai để nắm tình hình vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT giai đoạn trước năm 2021.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hội nghị để ngành BHXH và Y tế cùng trao đổi, nắm thông tin và tìm hướng giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. “Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở y tế tổ chức tốt dịch vụ cung cấp cho người tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi người dân. Bên cạnh đó cũng tối ưu hóa, quản lý và sử dụng hiệu quả, đúng quy định nguồn quỹ BHYT”, ông Mạnh nói.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, ngành BHXH và Y tế đã có sự phối hợp chặt chẽ nhằm chăm sóc tốt sức khỏe người dân. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vướng mắc phát sinh. Đặc biệt, giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, các phát sinh trong KCB BHYT chưa từng có tiền lệ nên chưa thể giải quyết dứt điểm.

Giải quyết vướng mắc thanh toán BHYT vì quyền lợi người bệnh ảnh 1

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, quyền lợi của người bệnh BHYT luôn được đặt lên hàng đầu.

Chủ động gỡ vướng

Theo BHXH Việt Nam, các vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT chủ yếu phát sinh trong giai đoạn năm 2020-2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguồn lực ngành y tập trung cho chống dịch. Trong thẩm quyền, BHXH Việt Nam đã chủ động giải quyết các vướng mắc nhằm tạo thuận lợi cho cơ sở KCB, đảm bảo tối đa quyền lợi người tham gia BHYT.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, tới nay các vướng mắc thuộc thẩm quyền đã được BHXH giải quyết, đảm bảo kinh phí cho các cơ sở KCB. BHXH không nợ chi phí KCB của bệnh viện nào, kinh phí tạm ứng được chuyển đầy đủ, kịp thời. Các phần chi phí chưa được thanh toán đều do chưa đủ căn cứ đưa vào quyết toán theo quy định.

Bên cạnh đó, theo ông Phúc, BHXH Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để điện tử hoá thủ tục, giấy tờ, như sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng “VssID- BHXH số” thay thẻ giấy trong KCB; chuẩn hóa dữ liệu đưa lên Cổng Giám định; một số hạng mục được tạm thời thanh toán trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế (như chi phí gây mê, gây tê…); hướng dẫn ký hợp đồng và thanh toán BHYT với các bệnh viện dã chiến, chuyển tuyến, cấp thuốc ngoại trú một lần cho 3 tháng, thanh toán chi phí xét nghiệm…

Giải quyết vướng mắc thanh toán BHYT vì quyền lợi người bệnh ảnh 2

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cam kết phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH để tháo gỡ vướng mắc trong thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT.

Còn vướng mắc về cơ chế chính sách

Ông Lê Văn Phúc cho biết, hiện vẫn còn một số chi phí chưa thanh toán do vượt trần dự toán chi KCB BHYT, do vướng cơ chế, thiếu thủ tục, các bệnh viện đề nghị thanh toán với tổng số tiền trên 1.600 tỷ đồng tại 320 bệnh viện ở 28 tỉnh thành. Vướng mắc chủ yếu liên quan tới cơ chế, chính sách, như thanh toán chi phí xét nghiệm thực hiện từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá; nhiều cơ sở y tế chi phí sau giám định vượt cao từ 15-20% so với chi phí được quyết toán theo tổng mức thanh toán… BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo, hướng dẫn khi có quyết định của cấp thẩm quyền về phương thức quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021.

Trong khi đó, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy cùng bày tỏ lo ngại về những chi phí bị "treo" do chưa có hướng dẫn liên quan tới các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định. Lãnh đạo các bệnh viện này đề nghị các bộ ngành có giải pháp để thanh toán phù hợp với thực tế, không lãng phí nguồn lực từ các thiết bị này…

Đại diện Bộ Y tế cho biết, đang phối hợp với BHXH Việt Nam để cùng tìm giải pháp gỡ vướng, sửa đổi quy định liên quan tới quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn. Với máy mượn, đặt, Bộ Y tế đã trình Chính phủ phương án cho phép tiếp tục thanh toán và đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định liên quan tới máy xã hội hoá; sớm có giải pháp tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá để tạo điều kiện cho các bệnh viện tự chủ…

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn giao các đơn vị của bộ nhanh chóng xác định các nhiệm vụ liên quan để tháo gỡ vướng mắc, đề xuất sửa đổi quy định liên quan. Ông Thuấn yêu cầu các đơn vị đặt rõ thời gian hoàn thành để nhanh nhất gỡ vướng cho các bệnh viện nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, cơ quan này sẽ chủ động và nhanh nhất gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền, và phối hợp với ngành Y tế để tháo gỡ dứt điểm. Ông Mạnh giao các đơn vị liên quan của ngành BHXH phối hợp với bệnh viện trên địa bàn rà soát những chi phí KCB BHYT chưa được thanh toán trước năm 2021, báo cáo và đề xuất giải pháp tháo gỡ, không kéo dài; phối hợp với ngành Y tế để nghiên cứu điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh các quy định liên quan…

MỚI - NÓNG