Giải pháp nào 'lên đời' cao tốc Cam Lộ - La Sơn?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Làm việc với đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu nhận định, cao tốc là tuyến đường huyết mạch và quan trọng. Nếu sau khi mở rộng đủ 4 làn xe, có dải phân cách giữa và làn dừng khẩn cấp đủ chiều rộng của hai dự án Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan thì tuyến cao tốc phía đông đi qua tỉnh sẽ thông suốt, với quy mô đảm bảo theo quy chuẩn đường cao tốc.

Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần đầu tư đủ 4 làn xe

Chiều 22/4, Cục trưởng Cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế (TT-Huế) về công tác đảm bảo an toàn giao thông các quốc lộ (QL) qua địa bàn và phân luồng tổ chức giao thông tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH hội tỉnh TT-Huế Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và đại diện các sở, ngành liên quan.

Giải pháp nào 'lên đời' cao tốc Cam Lộ - La Sơn? ảnh 1

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của tỉnh TT-Huế tại buổi làm việc, trên địa bàn hiện có 4 tuyến quốc lộ (QL) gồm QL1, QL 49, đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), QL 49B dài 485,3km; đoạn tuyến cao tốc phân kỳ thuộc dự án Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 60km và 33km thuộc dự án tuyến đường La Sơn - Túy Loan.

Bộ GTVT hiện ủy quyền cho Sở GTVT tỉnh TT-Huế quản lý tuyến QL49B với chiều dài 99,8km; các tuyến khác do Khu Quản lý Đường bộ II quản lý và các dự án BOT đang thực hiện; 60 km tuyến Cam Lộ - La Sơn do Ban Quản lý Dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh đang bảo trì.

Đối với dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn với điểm đầu tại Km10+380 QL9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại Km102+200 thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế. Hiện nay, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước mới tiến hành nghiệm thu có điều kiện để đưa vào khai thác tạm.

Đại diện Cục ĐBVN chia sẻ, đối với tuyến Cam Lộ - La Sơn cần đầu tư đủ 4 làn xe và đáp ứng quy chuẩn đường cao tốc là giải pháp lâu dài và chủ yếu, cần thực hiện. Đề nghị Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm thực hiện giai đoạn 2 đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe.

Giải pháp nào 'lên đời' cao tốc Cam Lộ - La Sơn? ảnh 2

Gần 1 tháng nay, tỉnh TT-Huế đã chấp hành nghiêm túc việc phân luồng xe hạng nặng từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn sang tuyến Quốc lộ 1.

Cục ĐBVN cũng nhìn nhận rằng, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng mặt đường không có dải phân cách giữa tuyến qua khu vực đồi núi nên sau thời gian đưa vào khai thác đã bộc lộ nhiều bất cập. Tuy nhiên, nếu người tham gia giao thông tuân thủ quy tắc tham gia giao thông theo phương án tổ chức giao thông, như đi đúng tốc độ, đúng phần đường, giữ đúng khoảng cách an toàn, chú ý quan sát thì hạn chế được rất nhiều tai nạn giao thông xảy ra.

Phân luồng giao thông chỉ là giải pháp trước mắt

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn hiện được Bộ GTVT phê duyệt phương án tổ chức giao thông tạm thời. Việc phân luồng điều tiết giao thông từ tuyến Cam Lộ - La Sơn sang các tuyến khác như QL1, đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) và một số tuyến khác nhằm đảm bảo lưu lượng tham gia trên tuyến không quá mãn tải, dễ dẫn đến ùn tắc giao thông, nhất là trong điều kiện tuyến qua miền núi phần lớn có 2 làn xe, hệ thống đường gom chưa hoàn chỉnh nên công tác xử lý tai nạn, ùn tắc giao thông, cứu hộ, cứu nạn khó khăn và chậm hơn các tuyến khác.

Giải pháp nào 'lên đời' cao tốc Cam Lộ - La Sơn? ảnh 3

Sau thời gian điều tiết, phân luồng, chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Hoàng Hải Minh cho biết, sau khi có quyết định phân luồng giao thông của Bộ GTVT, tỉnh đã chấp hành nghiêm túc.

Quá trình thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án mở rộng cao tốc, đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu đầu tư hệ thống đường gom, đường dẫn, cầu chui dân sinh, hoàn trả các đường công vụ, tính toán khẩu độ các cống thoát nước, có biện pháp gia cố mái ta luy nền đường, mở rộng các điểm dừng khẩn cấp, mở rộng và kéo dài các đường lên xuống ở các điểm lên xuống cao tốc để đảm bảo phù hợp với khu vực nghiên cứu, đầu tư trạm dừng nghỉ, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các điểm lên xuống cao tốc, các trạm phát sóng viễn thông, hệ thống camera, giao thông thông minh (ITS) để giám sát, xử lý, quản lý thuận lợi, an toàn, hiệu quả hơn.

“Cần xem xét các điểm thường xuyên sạt lở trên tuyến để có phương án di dời và giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn cho đời sống dân sinh. Rà lại hạ tầng kỹ thuật trong hành lang tuyến. Đầu tư mở rộng cầu Lim (QL49 qua TP. Huế), cải tạo một số đoạn đường cong nguy hiểm QL49, nâng cấp một số tuyến đường thường xuyên bị ngập úng trên tuyến QL1…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh kiến nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhận định, cao tốc là tuyến đường huyết mạch và quan trọng. Nếu sau khi mở rộng đủ 4 làn xe, có dải phân cách giữa và làn dừng khẩn cấp đủ chiều rộng của hai dự án Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan thì tuyến cao tốc phía đông đi qua tỉnh sẽ thông suốt, với quy mô đủ theo quy chuẩn đường cao tốc.

Trước tình hình lưu thông hiện nay, việc phân luồng là giải pháp trước mắt để hạn chế tai nạn giao thông. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ phải được thực hiện nghiêm túc hơn. Cần tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chấp hành quy tắc giao thông đường bộ, quy định về giao thông.

Giải pháp nào 'lên đời' cao tốc Cam Lộ - La Sơn? ảnh 4

Cục trưởng Cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Ghi nhận những kiến nghị của địa phương, Cục trưởng Cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần xem xét điều kiện thực tế theo hướng hiện trạng và nâng cấp an toàn hơn, nghiên cứu các giải pháp để hoàn thiện các điểm xuống cấp, bất cập giao thông trên toàn tuyến. Ông Cường mong muốn lãnh đạo tỉnh TT-Huế tạo điều kiện để các đơn vị hoàn thành công việc theo tiến độ.

Trong quá trình khai thác, Cục ĐBVN sẽ theo dõi sát diễn biến tổ chức giao thông trên tuyến để phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập phát sinh; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung phương án tổ chức giao thông khi cần thiết.

MỚI - NÓNG