Giải pháp nào 'đánh thức' tiềm năng nuôi biển?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo thống kê, Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Nuôi biển Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.

Ngày 25/11, tại Khánh Hòa diễn ra Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức. Các đại biểu đã bàn luận sôi nổi để đưa ra giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp và gỡ nút thắt nghề nuôi tôm hùm.

Xây dựng 4 vùng hoạt động nuôi trồng thủy sản

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Huyên - đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - cho biết, tính đến hết tháng 12/2022, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản (NTTS) vẫn còn chậm, hầu như các địa phương chưa giao được khu vực biển nào để NTTS. Điều này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và nuôi biển, dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về biển, hải đảo.

Giải pháp nào 'đánh thức' tiềm năng nuôi biển? ảnh 1

Người dân nuôi tôm hùm giống ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: K.S.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra kiến nghị xây dựng 4 vùng không gian ven biển cho hoạt động NTTS gồm: Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Hồng; vùng ven biển và biển khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (vùng biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ); vùng ven biển và biển khu vực Đông Nam bộ và vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Vùng biển Tây Nam bộ).

Ông Lê Bền - Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam - cũng cho rằng ách tắc đang nằm ở vấn đề giao diện tích mặt nước. Với các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, yêu cầu các doanh nghiệp phải hoạt động một cách có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường. Giải pháp mà ông Bền đưa ra là phải xây dựng được các cụm công nghiệp nuôi trồng trên biển, tạo tiền đề cho nuôi biển xa bờ, giải quyết được vấn đề môi trường, về đầu tư ban đầu cho các hộ nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần xử lý được vấn đề gốc rễ là giao diện tích mặt nước.

Giải pháp nào 'đánh thức' tiềm năng nuôi biển? ảnh 2
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: K.N.

Đóng góp thêm tại diễn đàn, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản - cho rằng cần phát triển đa mục đích trên cùng một diện tích mặt nước, bên cạnh đó tăng cường xử lý, xử phạt các vi phạm về khai thác, sử dụng mặt nước và xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả hơn.

Thích ứng trước yêu cầu mới của thị trường

Tại hội nghị, ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản, cho biết: Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm liên tục tăng giá, có thời điểm tăng gấp đôi, lên mức 1,7 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 1,3 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh. Tuy nhiên, ngành tôm hùm gặp một số khó khăn như một số nước cấm xuất khẩu nên nguồn cung thiếu ổn định. Hồi tháng 7, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng do virus - WSSV.

Giải pháp nào 'đánh thức' tiềm năng nuôi biển? ảnh 3
Ông Nguyễn Thanh Huyên - đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam kiến nghị xây dựng 4 vùng không gian ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: K.N.

Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y - cho hay, biện pháp quản lý tôm hùm được Trung Quốc thay đổi năm 2023, định nghĩa tôm hùm nuôi là phải bắt nguồn từ con giống F2.

Trong khi đó, ông Lê Bá Anh - Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - cũng chia sẻ những khó khăn mà nghề nuôi tôm hùm đang gặp phải khi Trung Quốc ban hành luật về bảo vệ động vật hoang dã và danh mục các loài động vật hoang dã cần được bảo vệ và tôm hùm bông nằm trong danh sách này. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Giải pháp nào 'đánh thức' tiềm năng nuôi biển? ảnh 4
Thứ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: K.N.

Sau khi lắng nghe ý kiến đại biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần phối hợp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, khắc phục các hạn chế để đáp ứng yêu cầu thị trường tôm hùm hiện nay.

Về nuôi biển, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng, vì thế cần chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy nghề nuôi biển ở nước ta phát triển bền vững.

MỚI - NÓNG