Đại tá Trần Quốc Hanh, nguyên Hiệu phó Chính trị Trường Trung cao Không quân. |
Đại tá Trần Quốc Hanh, nguyên Hiệu phó Chính trị Trường Trung cao Không quân, khi đó là cán sự Tuyên giáo Trung đoàn 57, tuy 58 năm trôi qua, nhưng khi nhắc đến những ngày lịch sử của dân tộc - tháng 10-1954, ông vẫn nhớ như in.
Ông kể: Đơn vị tôi là Chi đội Đội Cung, được thành lập trên đất Nghệ An từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên cơ sở các đội giải phóng quân của các huyện, thị xã lập ra trong cao trào Tổng khởi nghĩa của tỉnh (hậu duệ của các chiến sĩ tự vệ Đỏ trong Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh). Đây là đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Chiến khu 4 (Liên khu 4).
Đến năm 1950 khi quân đội ta thành lập các đại đoàn chủ lực thì chi đội được biên chế vào Đại đoàn 304 và mang phiên hiệu là Trung đoàn 57. Trung đoàn chiến đấu suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Bình-Trị-Thiên đến Tây Bắc, Việt Bắc và vùng đồng bằng; hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tại Chiến dịch Điện Biên Phủ; giải phóng phần lớn phía Tây và Nam hai tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, tiếp quản thị xã Sơn Tây và thị trấn Phùng…
Trung đoàn 57 vinh dự được trên chọn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: Tiếp quản Thủ đô ngày 9-10-1954, tiền trạm cho Đại đoàn 308 chính thức tiếp quản vào hôm sau.
Thực hiện Hiệp định Geneva, (7-1954), quân địch còn lại ở Sơn Tây được phép rút về Hà Nội, sau đó tập kết ở Hải Phòng trước khi rút đi… Đầu tháng 9-1954, trung đoàn được lệnh bàn giao nhiệm vụ ở thị xã Sơn Tây và thị trấn Phùng cho các đơn vị khác. Toàn Trung đoàn rút về trú quân tại vùng Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Đông) chuẩn bị mọi mặt để tham gia nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
Lúc ấy, tôi là cán sự Tuyên giáo của trung đoàn. Nhận rõ vinh dự lớn lao và trách nhiệm nặng nề, cùng những khó khăn chưa lường hết trong thực hiện nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp từ trung ương đến đại đoàn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 57 dốc sức học tập, chuẩn bị.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng ta có thời gian chuẩn bị tiếp quản Thủ đô khá dài, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phát huy thắng lợi về quân sự, đồng thời phải thực hiện cho được yêu cầu to lớn là giành thắng lợi về chính trị, khẳng định lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và quân đội.
Để không xảy ra bất cứ tình huống xấu nào trong quá trình tiếp quản, cùng với tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tập quán triệt nhiệm vụ, chủ trương chính sách quy chế, quy định, kỷ luật tiếp quản, cấp trên còn chỉ đạo Trung đoàn tổ chức cho anh em nghiên cứu, bàn bạc kỹ các phương án, cả trường hợp thuận lợi cũng như khi địch trở mặt khiêu khích.
Toàn đơn vị nghiêm túc quán triệt “Mấy lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ như: “Chớ tự kiêu, tự mãn. Chớ xa xỉ, tham ô lãng phí. Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện… Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân… Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng… Phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Phải làm đúng 10 điều kỷ luật. Phải luôn cảnh giác và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng”…
Đơn vị đặc biệt chú trọng chuẩn bị cơ sở chính trị và tư tưởng cho bộ đội vào tiếp quản Thủ đô; thường xuyên đề cao cảnh giác chính trị, đấu tranh chống tư tưởng hòa bình hưởng lạc, không để “những viên đạn bọc đường” bắn gục người chiến sĩ cách mạng từng dày dạn trong chiến đấu…
Trước khi tiếp quản Thủ đô một tháng, đã có Đoàn cán bộ của Đảng và chính quyền Hà Nội, Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp (Trung đoàn 57 cũng cử một số cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục tham gia… dưới sự cho phép của Ủy ban quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneva vào Hà Nội nắm tình hình và chuẩn bị các cơ sở, điều kiện cần thiết để vào tiếp quản thành công. Trong thời gian chuẩn bị, các đại đoàn của ta gần như đã áp sát Hà Nội: Phía Bắc là Đại đoàn 308, phía Tây và Nam là Đại đoàn 304, phía Đông Nam là Đại đoàn 320.
Với nhiệm vụ phải vào tiếp quản trước các cơ sở quân sự, các vị trí then chốt để bảo đảm ngày 10-10-1954, Đại đoàn 308 thay mặt quân đội ta chính thức vào tiếp quản Thành Hà Nội được an toàn, thuận lợi, đúng 6 giờ sáng 9-10-1954, Trung đoàn 57 nhận lệnh xuất phát tiến về Hà Nội. Từ Chúc Sơn, cả trung đoàn đội ngũ chỉnh tề hành quân qua thị xã Hà Đông giữa rừng người tưng bừng cờ hoa chào đón.
Đến Phùng Khoang, trinh sát của ta báo về: Địch đang dàn 1 đoàn xe tăng, xe bọc thép ở Ngã Tư Sở. Trung đoàn liền lệnh cho bộ đội dừng lại triển khai đội hình hành quân chiến đấu, rồi tiếp tục thực hiện kế hoạch chia thành 3 cánh quân tiến theo 3 hướng vào Hà Nội. Tiểu đoàn 265 và Trung đoàn bộ và Tiểu đoàn 418 tiến theo đường Mễ Trì lên Nghĩa Đô. Riêng Tiểu đoàn 265 đến làng Cót (Trung Hòa), Dịch Vọng thì dừng lại chuẩn bị để ngày hôm sau tiếp quản.
Tiểu đoàn 418 (Tiểu đoàn cơ động) do đồng chí Nguyễn Cầm, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy tiếp quản khu trường Bưởi, Quần Ngựa, Nhà máy da Thụy Khuê, Sở Xe điện và đóng quân tại các làng Trích Sài, Đình Thọ, Đông Xá, Đông Hồ. Trung đoàn bộ đóng tại làng Yên Thái. Ở đâu, bộ đội cũng được nhân dân hết lòng ủng hộ, giúp đỡ, tiếp quản nhanh gọn. Tiểu đoàn 346 chia làm hai bộ phận: Hai đại đội và Tiểu đoàn bộ theo đường Thanh Xuân, Cầu Mới, Ngã Tư Sở vào tiếp quản Sân bay Bạch Mai. Một đại đội khác theo đường Hạ Đình, Kim Lủ, Định Công, Sét, Mai Động tiếp quản khu Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi.
Ở Ngã Tư Sở, sau khi sĩ quan của ta trong Ban Liên hiệp đình chiến phản đối phía Pháp cho xe tăng, xe bọc thép dàn ra trước đường tiến quân của ta là không thiện chí, phía Pháp thanh minh là “làm theo nghi thức bàn giao của quân đội họ”, song vẫn cho rút ngay những xe đó ra khỏi khu vực tiếp xúc, cuộc bàn giao mới được bắt đầu. Quân ta súng trong tay tiến bước dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan Việt - Pháp trong Ban Liên hiệp đình chiến lần lượt đến thay thế lính Pháp đang đứng gác ở từng vị trí thuộc 21 vọng gác và các cơ sở trống rỗng của sân bay Bạch Mai.
Việc ký kết biên bản bàn giao được thực hiện trong một ngôi nhà để máy bay khá rộng. Có khá đông nhà báo các nước chứng kiến cuộc bàn giao này, họ tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy người chỉ huy của ta giao tiếp bằng tiếng Pháp rất thành thạo và rất liên tục chụp ảnh các trang bị của bộ đội ta từ giày vải, mũ nan, bi đông đựng nước đến súng tiểu liên…
Ở hướng Vĩnh Tuy, khi bộ đội ta vượt qua đường 1 ở đoạn Làng Sét thì gặp 4 xe tăng bọc thép của địch từ Hà Nội đi tuần tra xuống Văn Điển. Sĩ quan liên lạc của ta đến thông báo cho chúng biết việc ta đi nhận bàn giao ở Vĩnh Tuy, chúng liền dừng lại để cho đơn vị đi qua. Việc bàn giao tiếp quản các căn cứ đồn binh và cơ sở quân sự giữa Trung đoàn 57 với quân Pháp diễn ra khá nhanh chóng và thuận lợi. Đến 12 giờ trưa 9-10, việc tiếp quản các khu vực chính đã xong, Trung đoàn đã vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho ngày 10-10-1954, đại quân ta chính thức tiến vào Thủ đô.
Dừng một lát, cựu chiến binh Trần Quốc Hanh bồi hồi nhớ lại: “Đi qua khu vực Hà Đông, nhân dân đứng sẵn hai bên đường, cờ hoa rực rỡ chào đón bộ đội, nhưng khi ra đến khu vực Thanh Xuân thì không khí khá tĩnh lặng, vì thực tế nhân dân khu vực này vẫn đang trong vùng quân Pháp kiểm soát. Nhưng chỉ một lát sau, khi thấy bộ đội về ngày một đông thì nhân dân bắt đầu ùa ra.
Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô 58 năm trước, vào ngày 10-10-1954. |
Suốt hai bên đường men theo các xóm làng, nơi chúng tôi hành quân qua, đâu đâu cũng thấy bà con, tiếng chạy, tiếng gọi nhau reo mừng: “Các anh về thật rồi! Hoan hô các anh đã về!”, “Quân ta đã về! Quân ta đã về!”. Có những phụ nữ đã lớn tuổi, nhưng vẫn nhảy lên như con trẻ. Người mang ghế, người mang bàn, hoa quả, ai cũng cố gắng mang một thứ gì đó tiếp đãi bộ đội… Chúng tôi thấy trong khóe mắt nhiều người đều ướt lệ. Ngày 10-10-1954, khi Đại đoàn 308, bằng xe cơ giới rầm rộ tiến vào tiếp quản Thủ đô, thì Tiểu đoàn 265 (Trung đoàn 57) cũng tiếp quản khu vực Cầu Giấy.
Tôi khi ấy là cán sự Tuyên giáo của cơ quan Trung đoàn bộ, thường đi xuống các đơn vị để nắm tình hình, tham gia làm công tác chính trị, tư tưởng cho anh em. Tôi đi về hướng sân bay Bạch Mai, Tiểu đoàn 346 cũng cử một trung đội tiếp quản Bệnh viện Bạch Mai; Tiểu đoàn 418 vinh dự cử một đại đội, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Cầm, đến sân vận động Măng Gianh (nay là sân vận động Cột Cờ) cùng Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 làm lễ kéo cờ lên Cột cờ Hà Nội.
Bộ đội ta đi đến đâu, nhân dân reo hò vang dội: “Hoan hô, hoan hô Bộ đội Cụ Hồ”. Việc “tiền trạm” tiếp quản của Trung đoàn 57 ngày 9-10 khác với các đơn vị tiếp quản ngày 10-10 ở chỗ: Chúng tôi tiếp quản trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, trực tiếp tiếp xúc với lính Pháp thông qua giám sát của Ủy ban Quốc tế, Liên kiểm Việt - Pháp để làm nhiệm vụ, tạo bàn đạp đứng vững chân và bảo vệ cho đại quân hôm sau đi nghiêm trang, an toàn…
Một điều đặc biệt là tiếp quản Hà Nội có 2 Trung đoàn tiêu biểu: Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô được thành lập ngay trong lòng Hà Nội, khi Toàn quốc kháng chiến nổ ra; thứ hai là Trung đoàn 57 được hình thành trên quê hương Bác Hồ, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chủ yếu là con em các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hậu duệ của các chiến sĩ tự vệ Đỏ.
Trần Hiền/QĐND
(theo lời kể của Đại tá Trần Quốc Hanh)