Giải mã cuộc binh biến ở Myanmar: Vì sao quân đội đảo chính?

Giải mã cuộc binh biến ở Myanmar: Vì sao quân đội đảo chính?
TPO - Theo Forbes (*), việc quân đội Myanmar từ chối công nhận kết quả bầu cử và việc Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bị bắt có thể giống như một sự tái hiện lại lịch sử Myanmar.

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948, Myanmar đã trở thành vùng đất của các cuộc xung đột chồng chéo giữa nhiều lực lượng; quân đội dân tộc thiểu số và chính phủ quốc gia; các lợi ích đối nghịch trong buôn bán ma túy...

Năm 1962, quân đội Myanmar (Tatmadaw) dưới sự chỉ đạo của tướng Ne Win đã lật đổ chính quyền dân sự và thiết lập một chế độ tập trung, độc tài. Cuộc đảo chính một phần xuất phát từ lo ngại rằng chính phủ dân sự không thể đàn áp mạnh mẽ các phong trào dân tộc thiểu số và các lực lượng vũ trang của họ.

 Tháng 8/1988, các cuộc biểu tình dẫn đến việc phế truất Ne Win - để rồi một chính quyền quân sự mới lên nắm quyền vào tháng 9 kéo theo một cuộc đàn áp đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

 Tuy nhiên, chính quyền đã tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 1990, và đảng Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD) của Suu Kyi, con gái của một vị tướng bị ám sát, đã thắng áp đảo.

 Chính quyền từ chối chấp nhận kết quả này và hủy bỏ cuộc bầu cử, bắt giữ nhiều thành viên của đảng đối lập và quản thúc bà Suu Kyi tại gia liên tục trong hai thập kỷ.

 Sau làn sóng phản đối mới vào năm 2007, giới lãnh đạo quân đội Myanmar một lần nữa thực hiện các bước để chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Nhưng lần này quân đội đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo họ không mất chỗ đứng quyền lực, giữ các bộ chủ chốt và 25% ghế trong quốc hội cho những người quân đội chỉ định, soạn lại hiến pháp mới để ngăn bà Suu Kyi giữ chức tổng thống.

 Tuy nhiên, đảng NLD của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử vào năm 2015 và 2020, và bà đã đóng vai trò điều hành trên thực tế trong văn phòng mới được thành lập là “Cố vấn Nhà nước Myanmar”.

 Dù vậy, Tatmadaw đã từ chối tuân theo chế độ dân sự và theo đuổi chương trình nghị sự của riêng mình. Giao tranh giữa quân đội và người dân tộc thiểu số thực sự gia tăng trong những năm 2010, với việc Tatmadaw tung ra các cuộc tấn công mới chống lại nhiều nhóm nổi dậy.

 Thể chế bầu cử dân chủ và quản trị dân sự ở Myanmar đã mở ra một làn sóng ngoại giao, đầu tư và du lịch từ các quốc gia phương Tây. Nó cũng dẫn đến quan hệ khó xử với Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc cải thiện quan hệ giữa phương Tây với Myanmar đã bị đình trệ vào khoảng năm 2017 do một chiến dịch mà nhiều người gọi là “diệt chủng” nhắm vào người thiểu số Rohingya.

Mối quan hệ và sự gắn bó kinh tế giữa Myanmar và thế giới phương Tây bị rạn nứt. Nhưng sự kiện này không gây ra chỉ trích từ Bắc Kinh. Thay vào đó, Trung Quốc đã cải thiện mối quan hệ với NLD bằng cách cung cấp các lợi ích kinh tế thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Forbes nhận định: “Cuộc đảo chính quân sự sẽ làm xấu đi mối quan hệ của Myanmar với nhiều nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Điều đó sẽ tạo ra khoảng trống mà Bắc Kinh có thể tìm cách lấp đầy bằng cách hậu thuẫn chính phủ Tatmadaw, cũng giống như họ đã cải thiện quan hệ với chính phủ quân sự của Thái Lan kể từ khi nước này nắm chính quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 2014”.

Mặc dù Tatmadaw có vũ khí và quân lực trong tay, nhưng điều đó không đảm bảo họ chiến thắng trong cuộc chiến giành tính hợp pháp chính trị. Các cuộc bầu cử liên tiếp đã nhiều lần khẳng định sự nổi tiếng của bà Suu Kyi cũng như các khía cạnh hạn chế trong cơ sở chính trị của quân đội. Quyết định theo đuổi một cuộc đảo chính chắc chắn xuất phát từ lo ngại của Tatmadaw rằng những lần tái xác nhận trong bầu cử này có thể dần dần làm xói mòn quyền lực của phe quân đội.

 (*) Quan điểm và dữ liệu trong bài viết là của tạp chí Forbes (Mỹ), không phản ánh quan điểm của Tiền Phong.

MỚI - NÓNG