Lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, các nhà khoa học lật phiến đá cẩm thạch màu kem dài hơn một mét có từ năm 1555 trong Nhà thờ Mộ Thánh ở thành phố cổ đại Jerusalem để khám phá bề mặt bằng đá màu be xám bên trong mộ Chúa Jesus, National Geographic hôm qua đưa tin.
"Phiến đá cẩm thạch che phần mộ được lật lên và chúng tôi rất bất ngờ trước khối lượng vật liệu ở bên dưới", Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ học thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia, thành viên dự án phục chế, cho biết. "Đây sẽ là một cuộc phân tích khoa học kéo dài, nhưng cuối cùng chúng tôi có thể quan sát mặt đá nguyên bản, nơi đặt xác Chúa Jesus theo truyền thuyết".
Theo Kinh Thánh, xác Chúa Jesus được đặt trên chiếc giá hay còn gọi là "giường chôn" chìa ra từ bên hông hang động đá vôi sau khi Ngài bị quân La Mã hành hình vào năm 30 hoặc 33. Sau lễ tang ba ngày, Chúa Jesus hồi sinh và những người phụ nữ đến xức dầu thơm cho biết thi hài của Ngài không còn lưu lại.
Bao quanh giá chôn cất là một công trình mang tên Edicule, có nghĩa là "ngôi nhà nhỏ" trong tiếng Latinh, được tôn tạo lần gần đây nhất năm 1808-1810 sau một trận hỏa hoạn. Edicule và ngôi mộ bên trong đang được nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Công nghệ Quốc gia Athens phục chế dưới sự chỉ đạo của giáo sư Antonia Moropoulou.
Sự kiện mở mộ cung cấp cho các nhà nghiên cứu cơ hội nghiên cứu hình dáng nguyên bản của nơi được xem là linh thiêng nhất trong Cơ Đốc giáo. Việc phân tích bề mặt đá cho phép nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn về hình dáng ban đầu của ngôi mộ và quá trình địa điểm trở thành nơi tôn nghiêm từ khi được Helena, mẹ hoàng đế La Mã Constantine, phát hiện lần đầu tiên vào năm 326.
Các cộng đồng tôn giáo quản lý Nhà thờ Mộ Thánh thông qua kế hoạch phục chế Edicule vào tháng 3/2016. Theo dự kiến, công tác tôn tạo sẽ hoàn thành vào mùa xuân năm 2017.