Giải cứu Sao La khỏi bờ tuyệt chủng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu đang thực hiện dự án giải cứu Sao la khỏi bờ tuyệt chủng. Dự án nhằm tìm kiếm sự tồn tại của loài thú quý cực kỳ quý hiếm này và lên kế hoạch bảo tồn nếu phát hiện được.

Sao la được phát hiện lần đầu tiên tại VQG Vũ Quang vào năm 1992, gây chấn động cho giới bảo tồn trong nước và quốc tế, là một trong những loài thú hiếm nhất thế giới, được mệnh danh là kỳ lân châu Á.

Loài thú này chỉ ghi nhận ở dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt Nam – Lào. Tại Việt Nam, loài được ghi nhận ở một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Tháng 10 năm 1998, các nhà khoa học đã chụp được ảnh sao la trong tự nhiên, tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Sau đó phải chờ đến 15 năm, bẫy ảnh của WWF mới ghi nhận được hình ảnh Sao La tại Quảng Nam sau 15 năm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không ghi nhận thêm hình ảnh Sao la trong tự nhiên.

Giải cứu Sao La khỏi bờ tuyệt chủng ảnh 1

Hình ảnh Sao la được ghi nhận vào năm 2013. Ảnh: WWF.

Mới đây, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ (thuộc Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học) công bố kết quả bẫy ảnh tại 21 khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, trong hàng triệu bức ảnh được chụp, không ghi nhận được dấu chân nào của loài cực kỳ quý hiếm này.

Ông Đỗ Thanh Hào, điều phối viên dự án Giải cứu Sao la khỏi bờ tuyệt chủng chia sẻ, Dự án sẽ thực hiện tìm kiếm dấu chân của Sao La tại 6 tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Nam với mục tiêu phát hiện những cá thể Sao La cuối cùng còn tồn tại trong tự nhiên bằng cách sử dụng kiến thức sinh thái bản địa và các công cụ giám sát khoa học mới nhất, cung cấp thông tin cần thiết cho nguồn động vật phục vụ chương trình nhân nuôi sinh sản bảo tồn để có thể cứu Sao la khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Dự án đã xác định được 15 vùng ưu tiên cao nhất của Sao La dựa trên kiến thức sinh thái bản địa. Tại đây các nhà khoa học đã thực hiện khảo sát bằng các bẫy ảnh với tổng số 160 bẫy ảnh. Công nghệ ADN môi trường cũng được áp dụng trong quá trình tìm ra loài thú quý hiếm này. Hàng nghìn mẫu ADN đã được thu thập với mong muốn ghi nhận sự tồn tại của Sao La ngoài tự nhiên.

Theo ông Hào, hoạt động bẫy ảnh của dự án đã ghi nhận được rất nhiều loài thú quý hiếm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hình ảnh nào của loài Sao La được ghi nhận. Các hoạt động bẫy ảnh và phân tích gene môi trường vẫn tiếp tục được dự án triển khai trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG