Lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại với nông dân:

Giải bài toán vốn, giá, thị trường...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
TP - Sáng 9/4, tại Hải Dương, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với gần 500 đại biểu nông dân. Hàng loạt vấn đề nóng như: “Giải cứu” nông sản, vốn, đất đai, chất lượng vật tư nông nghiệp, công nghệ, xây dựng nông thôn mới... được nông dân “chất vấn”.

Cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng

Mở màn buổi đối thoại, vấn đề “giải cứu”, được mùa mất giá... được nông dân Tăng Xuân Trường (xã Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương)- người xây dựng vùng chuyên canh rau 300 ha nêu lên với Thủ tướng: “Theo dõi báo chí những ngày này, Thủ tướng và các vị bộ trưởng chắc cũng đã nắm được tình trạng dư thừa, ế nông sản xảy ra ở nơi này, nơi kia. Có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay thậm chí đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ mạt. Đó là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp nước ta”.

Cùng quan tâm đầu ra cho nông sản, nông dân Đặng Thị Dịu (phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh) đặt câu hỏi: “Xin hỏi Thủ tướng có chính sách gì để các cơ quan chức năng có liên quan làm tốt công tác định hướng và thông tin thị trường giúp cho người nông dân tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới?”.

“Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai”. 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chia sẻ những vấn đề trên, Thủ tướng khẳng định rằng, chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như thế, còn những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước.

Thủ tướng cho rằng phải nỗ lực tìm kiếm thị trường hơn nữa. Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, Quốc hội, các đoàn công tác bộ ngành đi đâu cũng tìm thị trường, tiếp thị, giới thiệu DN, nông sản Việt Nam. Nhiều loại nông sản của Việt Nam đã tham gia các thị trường lớn. Việc tìm thị trường Nhà nước phải làm, nhưng DN, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này. “Khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường, phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Tôi quán triệt tinh thần này đến hộ nông dân, đến HTX, tổ hợp tác và DN”- Thủ tướng nói.

“Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải bài toán vốn, giá, thị trường... ảnh 1 Lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại với nông dân. Ảnh: Hoàng Sinh.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, với 8,6 triệu hộ sản xuất, 78 triệu miếng ruộng, cho thấy sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, sinh ra chỗ này không đủ hàng để bán, chỗ kia lại thừa. Do vậy, cần tiếp tục thúc đẩy liên kết theo chuỗi, từ nông dân, HTX, DN để kiểm soát tốt đầu vào và bao tiêu được đầu ra.

“Làm sao để sản phẩm của mình không mãi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?”- là câu hỏi do nông dân Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào (Đà Lạt, Lâm Đồng) - nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu hàng năm tới 10 triệu USD nêu lên Thủ tướng.

Trả lời câu hỏi trên theo chỉ định của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam, với quy mô thương mại hai chiều khoảng 100 tỷ USD. Liên quan đến một số nông sản như dưa hấu, thịt lợn, thanh long... của Việt Nam bị biến động, dồn ứ, ông Tuấn Anh cho biết, do chúng ta còn xuất tiểu ngạch qua đường biên mậu. “Đây là kênh mà cả ta và nước bạn đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, kiểm dịch, không ký kết hợp tác giao thương nên khi nước bạn siết chặt về kiểm dịch, chất lượng, chúng ta lập tức bị dội hàng, gặp khó khăn”- ông Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng Công Thương, quan điểm của Việt Nam là phát triển thị trường đa dạng. Do vậy, bên cạnh thị trường Trung Quốc, chúng ta sẽ tìm kiếm, mở rộng thêm nhiều thị trường mới. “Tuy nhiên, dù thị trường nào, chúng ta cũng phải quan tâm chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, năng lực cạnh tranh giá cả, giá thành”-ông Tuấn Anh nói.

Tiền không thiếu, sao dân vẫn khó vay?

Ông chủ trang trại lợn hữu cơ nổi tiếng khi từng gửi “tâm thư” lên Bộ trưởng NN&PTNT, Thống đốc NHNN - ông Tô Hiến Thành (xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) nêu vấn đề nông dân khó khăn về vay vốn và phải tìm đến“tín dụng đen”, làm thế nào để ngăn chặn tín dụng đen?

Ông “vua vịt trời” Nguyễn Đăng Cường (Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng gửi đến Thủ tướng, kiến nghị có giảm lãi suất cho nông dân? Trong khi tài sản trang trại, gia trại không được dùng để thế chấp?  Vua “chuối”- nông dân Võ Quan Huy (Long An) kiến nghị, về vấn đề thế chấp vay vốn, và Chính phủ có chính sách gì để những người nông dân thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất mở rộng ruộng đất?...

Những vấn đề cấp bách trên, Thủ tướng giao Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cải cách tốt nhất. Theo ông Tú, cái khó là người dân không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, lý do là tính minh bạch thông tin về dự án, quản lý dòng tiền. “Chính vì thông tin không minh bạch rõ ràng nên các ngân hàng không thể cho vay. Rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay”- ông Tú nói.

Về vấn đề tín dụng đen, ông Tú cho biết, không phải các ngân hàng không đủ vốn. Tính thanh khoản các ngân hàng đang rất dồi dào, nếu thiếu vốn NHNN lập tức bơm vốn nên chắc chắn không có tình trạng thiếu vốn. Gần đây Ngân hàng NN&PTNT đang triển khai thí điểm mô hình cho vay lưu động, trực tiếp đến xã. Nếu hiệu quả sẽ triển khai rộng, nhằm hạn chế tối đa tình trạng tín dụng đen.

Phó Thống đốc cũng cho biết, gói 100 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao đến nay đã có dư nợ khoảng 40%. Theo Thông tư 59 mới ban hành,  tài sản thế chấp không phải điều kiện duy nhất để được cho vay mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, các hộ nông dân, DN vay vốn nếu chứng minh được dòng tiền, chứng minh được đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp.

Liên quan đến vấn đề cụ thể của ông Huy, ông Thành, Phó Thống đốc Tú cho biết: “Tôi đề nghị ngay trong tuần tới, tôi và các ngân hàng thương mại sẽ ngồi làm việc với anh Huy, anh Tô Hiến Thành, để làm việc rõ ràng xem có vay vốn được hay không, vay được bao nhiêu, nếu không vay được thì lý do vì sao và phải công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Xử nghiêm quan chức xây “biệt phủ” trái phép

Nông dân Trần Văn Chính (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đem đến buổi đối thoại nỗi bức xúc, ở một số địa phương, có hiện tượng cán bộ đảng viên lạm quyền chuyển đổi đất nông, lâm nghiệp trái mục đích, thậm chí còn xây “biệt phủ”, biệt thự trái phép.

Khi bị phát hiện, thì “phạt cho tồn tại”, trong khi nông dân vi phạm thì bị xử lý, cưỡng chế dỡ bỏ ngay. “Xin hỏi, Chính phủ có biện pháp gì để xử lý hiện tượng này nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của mọi người dân trước pháp luật?”- ông Chính nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi trên theo chỉ định của Thủ tướng, bà Nguyễn Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Việc xử lý vi phạm các trường hợp chuyển mục đích trái pháp luật theo quy định của Luật Đất đai là công bằng, không phân biệt người vi phạm là tổ chức hay cá nhân, kể cả cán bộ, công chức nhà nước. Việc xử lý các trường hợp vi phạm trong việc xây dựng biệt phủ mà báo chí đã nêu đều đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kết luận mức độ sai phạm và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

“Nếu cơ quan báo chí và người dân còn phát hiện trường hợp kết luận sai phạm chưa đúng hoặc đã kết luận sai phạm mà chưa xử lý thì tiếp tục phản ánh để Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”- bà Hoa nói.

Nam Khánh

Chủ tịch tỉnh, huyện, xã phải đối thoại với nông dân

Xuyên suốt cuộc đối thoại, những vấn đề “nóng” như: thị trường, giải cứu nông sản, vốn, đất đai, chất lượng vật tư nông nghiệp, công nghệ, xây dựng nông thôn mới... được nông dân “chất vấn” Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ. Nhiều vấn đề cấp bách của nông dân, Thủ tướng yêu cầu Hội Nông dân tiếp tục tập hợp, để các bộ, ban ngành tiếp tục xử lý.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, nông nghiệp đã đạt thành quả rất lớn, nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Vẫn còn một bộ phận người nông dân đời sống bấp bênh, nhất là vùng sâu, vùng xa, thậm chí, một bộ phận có người dân có cuộc sống cơ cực.

Sản xuất nông nghiệp vẫn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, sức cạnh tranh còn thấp. Xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi còn tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, ít quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân. “Chúng tôi thấy rất rõ vấn đề này, chứ không phải chỉ bệnh thành tích một chiều đối với nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân Việt Nam, để nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa đối với 70% người dân sống ở nông thôn và 43% lao động ở nông thôn hiện nay”- Thủ tướng nói.

“Chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, xã phải dành thời gian đối thoại với nông dân, chứ không chỉ Thủ tướng và các bộ trưởng, để giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân; giải thích, giải đáp cho người nông dân về chủ trương, chính sách của chúng ta”, Thủ tướng đề nghị.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, cần có chính sách thu hút mạnh DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển DN ở khu vực nông thôn, tăng cường liên kết giữa nông dân và DN. Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ ngành phải xử lý giúp dân yếu tố đầu vào của sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu giả, chất lượng kém, an toàn vệ sinh thực phẩm kém, vốn liếng khó khăn, thị trường tù mù...          

P.A

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.