Thủ tướng: Trước khi gieo hạt phải biết bán cho ai

Thủ tướng chủ trì đối thoại với nông dân.
Thủ tướng chủ trì đối thoại với nông dân.
TPO - “Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân ngày 9/4.

Sáng 9/4, tại Hải Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với gần 500 đại biểu nông dân theo chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”.

 Tại buổi đối thoại, Thủ tướng đặt vấn đề: Vì sao nông dân chưa thể giàu hơn? Tại sao nhiều vướng mắc? Vì sao một nước 70% nông dân sống ở nông thôn, chiếm 43% lao động, nhưng chỉ đóng góp 16-17% GDP...

Cũng tại buổi đối thoại, nội dung nóng là vấn đề “giải cứu” nông sản,  “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”....

Nông dân Tăng Xuân Trường (xã Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương)- người xây dựng vùng chuyên canh rau 300 ha, cho biết: Qua theo dõi thông tin trên báo chí những ngày này, Thủ tướng và các vị Bộ trưởng chắc cũng đã nắm được tình trạng dư thừa, ế nông sản xảy ra ở nơi này, nơi kia.

Có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay thậm chí đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ mạt. Hay gần đây, ngay tại thủ phủ sản xuất nông sản Đà Lạt, các mặt hàng nông sản như khoai tây, hành tây cũng đang xuống giá. Đó là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp nước ta...

Thủ tướng: Trước khi gieo hạt phải biết bán cho ai ảnh 1 Nông dân Tăng Xuân Trường (xã Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương) đặt câu hỏi tại buổi hội thảo

Là người vừa sản xuất, vừa làm thương mại xuất khẩu rau củ khá lâu, ông Trường nhận thấy điểm yếu nhất là khâu tổ chức sản xuất. “Như tôi nếu bạn hàng đặt 10 tấn cà chua thì có thể còn lo được với chất lượng mẫu mã giống nhau, nhưng nếu 50 tấn thì không biết mua ở đâu cho đủ”- ông Trường nói.

“Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) xây dựng 1.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là hướng đi rất đúng. Song xin hỏi Thủ tướng, việc liên kết, rồi thành lập HTX chúng ta đã hô hào nhiều rồi và đến bao giờ mới thay đổi được?”- ông Trường đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi của ông Trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như thế, còn những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước.

Từ nông thôn tới đồng bằng, miền núi tới miền xuôi sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Nhưng ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản và chúng ta phải tìm cách khắc phục.

Theo Thủ tướng, hiện Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hi vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Về thị trường, Thủ tương cho biết, chúng ta phải nỗ lực tìm thị trường hơn nữa. "Chính phủ, Quốc hội, các đoàn công tác bộ ngành đi đâu cũng tìm thị trường, giới thiệu doanh nghiệp, nông sản củ quả của Việt Nam.

Nhiều loại nông sản củ quả của Việt Nam đã tham gia các thị trường lớn, việc tìm thị trường Nhà nước phải làm, nhưng DN, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này, đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Tôi quán triệt tinh thần này đến hộ nông dân, đến HTX, tổ hợp tác và DN.

Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, cần phải đẩy mạnh khâu chế biến nông sản hơn nữa trong thời gian tới. "Hiện cả nước mới có 8 nhà máy chế biến rau củ quả. Chúng ta sản xuất được, nhưng chế biến mới là khâu quan trọng để chủ động điều tiết thị trường. Các doanh nghiệp cần tham gia xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị nông sản. Ở các nước, nhờ có nhà máy chế biến nên trái cây, nông sản có thể bảo quản tới 6 tháng", Thủ tướng nói.

Rủi ro khi xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc

Nông dân Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào (Đà Lạt, Lâm Đồng)- nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu hàng năm tới 10 triệu USD< đặt câu hỏi:  "Sản lượng hàng năm của tôi gần 1.000 tấn, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. Cái khó của tôi là sản phẩm của HTX đều là hàng chất lượng cao nhưng khi bán thì giá lại bằng các sản phẩm thông thường vì người tiêu dùng không phân biệt được cũng như do hàng Trung Quốc giả mạo rất nhiều.

“Xin hỏi Thủ tướng có chỉ đạo gì các cơ quan chức năng để sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được bán với đúng giá trị và làm sao để sản phẩm của mình không mãi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?”- ông Thừa nói.

Thủ tướng: Trước khi gieo hạt phải biết bán cho ai ảnh 2 Nông dân Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào (Đà Lạt, Lâm Đồng)

Trả lời câu hỏi kể trên theo chỉ định của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam, với quy mô thương mại hai chiều khoảng 100 tỷ USD: "Lợi thế của chúng ta là có những mặt hàng nông sản mà Trung Quốc cần. Dẫn chứng cho thấy riêng mặt hàng nông sản tăng trưởng cao nhất, đạt 64%".

Liên quan đến một số nông sản như dưa hấu, thịt lợn, thanh long... của Việt Nam bị biến động, dồn ứ, ông Tuấn Anh cho biết, nguyên do chúng ta còn xuất tiểu ngạch qua đường biên mậu.

“Đây là kênh mà cả ta và nước bạn đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, kiểm dịch, không ký kết hợp tác giao thương nên khi nước bạn làm chặt về kiểm dịch, chất lượng, chúng ta lập tức bị dội hàng, gặp khó khăn”- ông Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng Công Thương, quan điểm của Việt Nam là phát triển thị trường đa dạng. Do vậy, bên cạnh thị trường Trung Quốc, chúng ta sẽ tìm kiếm, mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Chẳng hạn như nhưng cơ hội khi Việt Nam ký kết Hiệp định CPTPP, hay hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU dự kiến sẽ ký kết phê chuẩn của cuối năm 2018...

“Tuy nhiên, dù thị trường nào, chúng ta cũng phải quan tâm chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, năng lực cạnh tranh giá cả, giá thành.

Bộ trưởng Tuấn Anh cũng cho biết, thời gia qua có một nhóm sản phẩm như rau quả, củ cải, su hào, dưa hấu... bị tồn ứ. Đây không phải là những mặt hàng chiến lược, mà có tính vụ mùa, thị trường chưa tổ chức tốt, nên cần quan tâm trong thời gian tới, đặc biệt là thông tin trong và ngoài nước.

“Tôi cũng khuyến nghị rằng, nếu bộ máy quản lý có lớn hơn, nếu đi xử lý cho từng hộ sản xuất, mặt hàng có tính mùa vụ thế này, thì cũng làm không xuể. Do vậy, cần tổ chức quy mô liên kết với HTX, DN để tiêu thụ”- ông Tuấn Anh nói.

MỚI - NÓNG