Cục Trồng trọt: Trước khi 'giải cứu', người trồng củ cải đã lãi cao

Người nông dân thức đêm để thu hoạch củ cải tại Mê Linh. Ảnh: Ngọc Thành
Người nông dân thức đêm để thu hoạch củ cải tại Mê Linh. Ảnh: Ngọc Thành
Dù vẫn kêu gọi mọi người mua ủng hộ nông dân, đại diện Cục Trồng trọt khẳng định người trồng củ cải đã có lãi.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục Trồng trọt, vừa có báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tình hình sản xuất, cung ứng rau trước và sau Tết. Theo đó, ông cho biết, việc chặt bỏ rau không thu hoạch được xảy ra ở vùng trồng củ cải ở Tráng Việt, Mê Linh và vùng trồng su hào Tứ Kỳ, Hải Dương. 

Theo báo cáo, vùng Tráng Việt có 90 ha trồng chuyên canh củ cải, mỗi năm khoảng 4-5 lứa trong vòng 8 tháng thời tiết thuận lợi. Thu nhập của người trông khá cao nhờ trồng củ cải giống của Hàn Quốc, Nhật Bản.  

Vừa qua nông dân đã thu hoạch thắng lợi 3 lứa với lãi rất cao. Cụ thể, theo Cục Trồng trọt, sau 3 lứa trồng, giá trung bình khoảng 6.000-8.000 đồng mỗi kg, người nông dân lãi khoảng 500 triệu đồng mỗi ha 3 lứa, thậm chí có hộ lãi cao hơn. 

Tuy nhiên, lứa rau đang cho thu hoạch là lứa 4, phần lớn sản lượng rau đã được tiêu thụ hết. Lượng rau tồn có diện tích xấp xỉ 10 ha, phần lớn diện tích này đã được nông dân ký hợp đồng bao tiêu với thương lái với giá 35 triệu đồng một sào (tương đương 850 triệu đồng một ha). Một số diện tích chưa ký hợp đồng bao tiêu với thương lái phần lớn được bán cho bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp.

Về việc phải giải cứu mặt hàng này thời gian gần đây, lãnh đạo Cục Trồng trọc cho biết, sau tết khi giá rau giảm, nhiều thương lái muốn kéo dài thời gian thu hoạch để chờ giá cao hơn vào thời điểm gối vụ rau. Tuy nhiên, do thời tiết ấm nên củ cải đã nở hoa, bị già và xốp, chất lượng giảm nên không bán được, thương lái không quay lại thu sản phẩm, nên nông dân buộc phải nhổ bỏ để giải phóng đất, tiếp tục trồng các loại rau khác.

Đối với vùng trồng su hào ở Tứ Kỳ, Cục Trồng trọt cho biết, giá bán su hào trung bình trong vụ Đông xấp xỉ 3.500 đồng một củ, tương đương 7 triệu đồng một sào với mỗi lứa thu hoạch. Trong khi đó, chi phí vật tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là một triệu đồng một sào. Như vậy lãi chưa tính công lao động của nông dân xấp xỉ 6 triệu đồng mỗi sào.

Đến hết vụ đông, nông dân đã trồng 3 lứa, như vậy lãi chưa trừ công lao động xấp xỉ 500 triệu mỗi ha. Sau khi trừ công, nông dân còn lãi xấp xỉ 250 – 300 triệu đồng mỗi ha trong 3 lứa rau.

Về hiện tượng chặt bỏ sản phẩm, ông Sơn cho biết tương tự như đối với cây củ cải ở Tráng Việt, diện tích bị chặt bỏ là phần trồng vào lứa đầu tiên của vụ xuân. Tổng diện tích su hào lứa này của Hải Dương chỉ có 140 ha, bằng 10% vụ Đông. 

Ông Sơn cho biết, trong tổng diện tích 140 ha su hào vụ Xuân chỉ có 10 ha trồng sớm, cho thu hoạch trùng đúng vào thời điểm tận thu rau vụ đông nên giá bị giảm sâu. Ngay trước tết giá bán chỉ còn 1.500 đồng một củ, sau tết chỉ còn 1000 đồng và từ 10/3 dương lịch chỉ còn 500 đồng mỗi. Do giá thấp, nông dân có tâm lý chờ giá cao trở lại nên kéo dài thời gian thu hoạch, củ bị giảm chất lượng, xơ hoá khi gặp thời tiết ấm.

Theo ông Sơn, diện tích su hào còn lại đang trong thời kỳ phát triển củ, nông dân tiếp tục chăm sóc để thu hoạch. Từ 15/3, giá bán su hào, cải bắp đang tăng lên, su hào bán 1.000-1.200 đồng mỗi củ, cải bắp 2.500-3.000 đồng một kg.

"Với giá bán này, nông dân hoàn toàn không bị lỗ", ông Sơn khẳng định. 

Lãnh đạo Cục Trồng trọt dự báo trong thời gian tới giá rau sẽ tăng lên do lượng cung bị giảm, lượng rau cấp ra thị trường chủ yếu là trên đất chuyên trồng rau.

Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn trước mắt, cơ quan này tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm rau để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. 

"Trước mắt, Cục Trồng trọt sẽ có công văn chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát diện tích, sản lượng, đánh giá việc thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm, cân đối cung cầu, xác định thị trường tiêu thụ, tiếp tục phát triển sản xuất rau vụ xuân theo khả năng và nhu cầu của thị trường", lãnh đạo Cục Trồng trọt cho hay. 

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG