“Xe sắp chạy rồi. Con ở nhà ráng học, nghe lời ngoại nghen. Má đi làm gửi tiền về nuôi con”. Đó là những lời ấm áp qua điện thoại của người mẹ nói với đứa con trên chuyến xe khách Chín Nghĩa từ Quảng Ngãi vào TP.HCM cách đây vài tháng. Tôi giật mình, lặng lẽ một hồi lâu. Bất chợt, khóe mắt cay cay.
Chắc có lẽ lâu lắm rồi tôi mới được nghe những lời nói xúc động và chứa chan đến thế. Tự hỏi đã bao lâu rồi mình không cảm thấy nghẹn ngào vì những thứ diễn ra xung quanh.
Tôi lại nghĩ đến những hình ảnh, những cuộc nói chuyện với những ông bố, bà mẹ miền trung đang tất tả mưa sinh giữa chốn Sài thành hoa lệ. Trong số họ có những người là cha, là mẹ của bạn tôi trên giảng đường.
Tôi, một thằng con trai đất Quảng vào Sài Gòn học đại học để đeo đuổi giấc mơ đổi đời như bao nhiêu đứa sinh viên miền Trung khác.
Quê tôi có câu nói nằm lòng mà chắc ai bất chợt nghe qua cũng thấy khóe mũi cay cay: “mày thi không đậu thì chết mày với tao, còn mày thi đậu là chết tao với mày”. Những ông bố nghèo thường nửa “đùa nửa thật” với con mình như vậy.
Đó là cái nghèo. Mà cái nghèo thì hầu như lúc nào cũng nghe thật xót xa. Cũng chính bởi vì nó mà bao nhiêu đứa bạn tôi sau khi tốt nghiệp lớp 12 xong là quyết định đi làm mướn.
Nhà nào nghèo mà có 2, 3 đứa con thì chí ít 1 đến 2 đứa lớn chấp nhận hi sinh việc học để đi làm kiếm tiền nuôi em học đại học. Còn gia đình nào nghèo mà ít con thì cha hoặc mẹ phải cùng con vào Nam để nuôi nó 4 năm ròng rã, “lỡ” nó thi đỗ đại học. Đúng kiểu “hi sinh đời bố, củng cố đời con”.
Vì thế mà có gì xa lạ đâu khi ngày ngày trên khắp nẻo đường của Sài Gòn thênh thang, vội vã, ta vô tình bắt gặp hình ảnh của những “chị vé số”, “chú xe ôm”, “chị bánh cam”, “anh kim chỉ”…
Họ làm đủ thứ việc, miễn là những việc chính đáng để kiếm tiền nuôi con mình hoàn thành giấc mơ nơi giảng đường đắt đỏ. Giấc mơ của những đứa con và cũng là khát khao của một đời ba mẹ.
Sài Gòn tấp tập, vồ vã lắm. Khi những đứa con đang lượm lặt kiến thức trên giảng đường thì ngoài kia, những đôi chân mòn mỏi của những ông bố, bà mẹ nghèo cũng đang in dấu trên khắp đầu đường cuối hẻm trên các con phố của Sài Gòn.
Họ cầm những sấp vé số còn phân nửa khi chiều buông đi mời hết người này đến người nọ. Họ mang trên vai, trước ngực mình tấm bảng với đủ loại “kim chỉ” dạo từ con đường này đến con phố kia.
Họ đội trên đầu những rổ bánh cam trong cái nắng quay quắt giữa trưa Sài Gòn để mời mọc khách…Hành tình của họ thật dài. Một ngày bôn ba của họ được đo bằng khoảng thời gian từ sáng sớm đến tận đêm khuya, bằng những bước chân mỏi mòn đầu đường cuối hẻm.
Sự tất bật ấy được khắc khoải trong những giọt mồ hôi mặn chát rơi rớt trên đường, bằng cơn khát giữa Sài Gòn oi ả và cả những cơn nhức mỏi về đêm nơi góc trọ rẻ tiền, tạm bợ.
Chẳng có gì để so sánh với sự hi sinh ấy. Những sự hi sinh cao cả và đẹp đẽ. Họ đồng hành cùng ước mơ của con để chúng có niềm tin, động lực viết tiếp những trang còn dang dở trên giảng đường.
Họ làm đủ thứ việc, miễn là những việc chính đáng để kiếm tiền nuôi con mình hoàn thành giấc mơ nơi giảng đường đắt đỏ. |
Tôi đã may mắn được nói chuyện với những ông bố, bà mẹ như thế. Trăn trở, băn khoăn của họ thật nhiều, nhưng rồi kết của mỗi câu chuyện đều là niềm tin và hi vọng. Họ hạnh phúc vì biết rằng mỗi một ngày cháy nắng đi qua là chặng đường đằng đẵng 4 năm cũng dần được thu hẹp lại.
Rồi ngày mai, không xa nữa, những đứa con của họ sẽ trở thành bác sĩ, kĩ sư, nhà giáo... Và người chắp cánh cho những ước mơ đã thành hiện thực ấy, không ai khác chính là họ.
Giải phóng cái nghèo là một chặng đường đầy gian nan và đắt đỏ. Và rồi đứa con của người phụ nữ kia, cùng bao đứa trẻ nhà nghèo khác, chúng cũng sẽ lớn lên, cũng vào đại học.
Rồi người mẹ kia, cũng như bao nhiêu gia đình khác, sẽ gác bỏ lại sau lưng ruộng vườn cằn cỗi và đói nghèo để khăn gói vào nam tiếp bước cùng con. Cũng sẽ là bước chân cứng cỏi trên những con vàng vọt giữa Sài Gòn hoa lệ về đêm để tất bật mưu sinh, kiếm tiền... Trong hành trình xa xôi và dài rộng ấy, mỗi bước chân là một niềm hi vọng.
Mà cuộc đời còn gì đẹp hơn khi ta đang sống trong hi vọng?!
Theo Một thế giới