Giá tăng từng ngày
Ngày 19/11, ghi nhận tại một số chợ đầu mối, lượng lợn về chợ tăng nhẹ. Như ngày 17/11, lượng lợn về chợ đầu mối Hóc Môn chỉ có 324 tấn/ngày thì hôm nay đã tăng hơn 100 tấn, đạt 436 tấn/ngày. Nhờ vậy, giá cả cũng giảm nhẹ. Ngược lại, ở các chợ bán lẻ, lợn vẫn tăng chưa có điểm dừng khi tăng từ 10-20% so với giữa tháng 10.
Bà Nguyễn Thị Do (tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Gò Vấp) cho hay, hơn 10 năm bán thịt lợn, chưa khi nào giá thịt tăng cao và nhanh như lúc này. “Giá thịt lợn chưa thấy có dấu hiệu dừng lại. Nếu tình hình này kéo dài, có thể từ nay đến cuối năm, giá sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt” - bà Do dự báo.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting, ước tính quy mô đàn lợn nái trên cả nước đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ dịch tả lợn châu Phi. Ipsos ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục, trong khi nhu cầu tiêu thụ quy mô lớn tăng trở lại do các trường học bắt đầu năm học mới từ tháng 9 và dịp Tết Nguyên đán cuối tháng 1/2020.
Kể từ tháng 4 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có 5,3 ngàn hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi (ASF) với tổng số lợn tiêu hủy gần 442,5 ngàn con (trên 23,5 triệu tấn thịt). Tổng đàn lợn của Đồng Nai đã giảm hơn 50%, trong khi đó giá thịt lợn đang tăng cao, không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chưa bao giờ giá lợn hơi tại Đồng Nai tăng cao như hiện nay khi đạt mức trên 70 ngàn đồng/kg. Giá cao nhưng nguồn thịt chủ yếu chỉ có từ nguồn các trang trại chăn nuôi lớn. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như đã “treo chuồng” sau cơn đại dịch.
Ông Nguyễn Mừng - một hộ chăn nuôi ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho hay sau khi hàng trăm con lợn phải tiêu hủy vì dịch bệnh thì gia đình ông cũng “giải nghệ” khi kiệt vốn. Ông Mừng nói: “Bây giờ nhà nước có cho tái đàn cũng không thể đầu tư chăn nuôi, phần không còn vốn và đang lâm nợ, phần ở vùng chăn nuôi theo kiểu tự phát này đầu tư vào lại vướng bệnh”.
Tại Đồng Nai hiện nay lượng lợn cung cấp cho thị trường Đồng Nai và TPHCM đã giảm khoảng 2.000 con/ngày. Vào dịp tết nhu cầu cần khoảng 10 ngàn con/ngày sẽ khó đáp ứng. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai nhận định giá thịt tăng đến mức khi người tiêu dùng không chấp nhận được thì sẽ thay đổi thói quen dùng thịt “nóng” chuyển sang dùng thịt đông lạnh nhập khẩu hiện đang rẻ hơn.
Không để hụt nguồn cung
Trước lo lắng không có thịt lợn ăn tết, TPHCM khẳng định sẽ không thiếu thịt lợn dịp cuối năm, dịp Tết sắp tới. Ông Võ Lê Bích Đồng, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết, hiện tại sản lượng tiêu thụ thịt lợn của TPHCM là 4.000 tấn/tháng, dịp cuối năm và dịp Tết, con số này sẽ tăng 1,2% lên con số xấp xỉ 5.000 tấn/tháng.
Ông Đồng cho rằng, dù hiện tại giá thịt lợn hơi trên thị trường đang dao động ở mức cao, sản lượng lợn về hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền giảm và nguồn lợn tại các trang trại lớn, nhỏ khan hiếm. Tuy nhiên, do dự báo được tình hình nên Sở Công Thương TPHCM đã có những kịch bản ứng phó. Sở đề nghị các đơn vị sản xuất chủ lực xây dựng kế hoạch sản xuất, tăng lượng hàng dự trữ; tăng sản lượng nhập khẩu khi có biến động. Đồng thời, Sở Công Thương TPHCM cũng đã đôn đốc các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn hàng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thay thế như thịt gà, trứng gia cầm, nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các nguồn thực phẩm thay thế.
"Hiện, Sở Công Thương vẫn đang theo dõi diễn biến và sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung, nhất là dịp cuối năm và từ ngày 25 Tết âm lịch trở đi” - ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết.
Theo Sở Công thương Đồng Nai, tỉnh này đã có kế hoạch xuất 30 tỷ đồng cho kế hoạch bình ổn giá vào dịp Tết Nguyên đán chủ yếu là mặt hàng thịt lợn.
Cẩn trọng
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai cho biết hiện dịch tả lợn châu Phi không còn bùng phát nhiều, nhưng vẫn còn xuất hiện những ổ dịch mới, hoặc tái dịch ở khu vực đã công bố hết dịch trước đó.
Theo ông Quang hiện nay tỉnh Đồng Nai đã cho phép tái đàn, tuy nhiên ưu tiên ở những doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài, những doanh nghiệp này có điều kiện chăn nuôi tốt, có nguồn giống hậu bị để phát triển.
Anh Nguyễn Văn Diệp, một thương lái huyện Thống Nhất cho hay, trong đợt cao điểm dịch bệnh nhiều hộ chăn nuôi chôn lợn bệnh trong vườn nhà không đảm bảo quy trình xử lý, rồi một số trại nuôi gia công bị dịch bệnh lén bỏ xác lợn ra ngoài môi trường nên mầm bệnh phát tán khắp nơi. Vì vậy, theo anh Điệp nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương không dám tái đàn. Tại xã Gia Kiệm có trường hợp tái đàn 700 con nhưng lại phát sinh dịch bệnh buộc phải tiêu hủy hết.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng với điều kiện như hiện nay thì việc tái đàn lợn chỉ còn trong các doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông Công, người chăn nuôi muốn tái đàn nên kiểm tra mật độ virus ASF tại trại nuôi và môi trường xung quanh xem có đủ an toàn để tái đàn hay không; nếu tái thì giảm mật độ nuôi và nên xem xét đến việc xử lý ổ dịch bằng phương pháp đốt để hạn chế virus này lây lan.
Sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn
Thống kê mới nhất của Cục Hải quan TPHCM cho thấy, nhập khẩu thịt lợn qua
các cửa khẩu hải quan tại TPHCM trong gần 10 tháng đầu năm 2019 tăng 155% về
lượng và 154% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, trong thời gian
này, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu vào TPHCM đạt 10.820 tấn, trị giá hơn 21, 3
triệu USD.5 thị trường Brazil, Ba Lan, Mỹ, Bỉ, Tây Ban Nha… đang dẫn đầu về lượng và kim
ngạch xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam. Trong đó, Brazil giữ vị trí số 1, chiếm
hơn 50% tổng lượng lẫn kim ngạch (hơn 5.685 tấn và 11,4 triệu USD).Theo các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thịt lợn, người tiêu dùng trong
nước vẫn chưa có thói quen dùng thịt đông lạnh nên thịt lợn nhập khẩu chủ yếu
dùng trong chế biến và tiêu thụ ở kênh quán ăn, bếp ăn.