Cuối năm, cận tết đau đầu với thịt lợn

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tăng tái đàn, vào đàn để đảm bảo nguồn cung thịt trong thời gian tới ảnh: Bình Phương
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tăng tái đàn, vào đàn để đảm bảo nguồn cung thịt trong thời gian tới ảnh: Bình Phương
TP - Giá thịt lợn đang tăng chóng mặt từng ngày, nguy cơ dịp Tết thiếu “nồi thịt kho”, “bánh chưng nhân thịt gà”. Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tái đàn, tăng đàn tối đa khi đảm bảo an toàn sinh học; đẩy mạnh lưu thông và kiểm soát chặt cả thịt nhập và xuất khẩu lợn tiểu ngạch.

Tắc lưu thông, chặn tiểu ngạch

Từ đầu tháng 11 tới nay, giá lợn nhảy múa từng ngày, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, trong ngày 19/11, tại thị trường phía Bắc, giá lợn hơi ở mốc 73.000 - 76.000 đồng/kg. Một số địa phương giá có cao hơn như tại Lào Cai, Hưng Yên là 78.000 đồng/kg, Thái Bình, Ninh Bình 77.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục là địa phương đang có mức giá cao nhất khu vực với giá lợn khoảng 75.000 đồng/kg - 76.000 đồng/kg.

Khu vực miền Nam giá lợn liên tục tăng mấy ngày qua. Tại Đồng Nai, giá lợn hôm qua là 73.000 đồng/kg, tại Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Trà Vinh, Bến Tre cũng tương tự.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam- doanh nghiệp đang cung cấp nguồn thịt lợn lớn nhất cả nước cho biết, giá lợn đang tăng quá nhanh.

“Giá lợn tăng nóng sẽ không bền vững, tạo hiệu ứng nông dân ồ ạt vào đàn, không kiểm soát được dịch bệnh lại tiếp tục thiệt hại. Cùng đó, giá nội địa cao, sẽ có khả năng thịt nhập ùa vào, lúc đó nguy cơ mang theo mầm dịch bệnh”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, CP hiện bán ra giá 68.000 đồng/kg hơi, nhưng bên ngoài có thể bán 74.000 đồng/kg.  Lượng lợn CP bán ra mỗi ngày tới 16.000-17.000 con, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí có thời điểm tập đoàn này bán ra tới 25.000 con/ngày và kéo dài tới vài tuần liền.

“Chúng tôi muốn chia sẻ, đồng hành để bình ổn, nhưng chỉ một mình CP, không có các doanh nghiệp khác cũng khó”, ông Tuấn nói.

Lãnh đạo CP cho biết vẫn còn tình trạng lợn tuồn đi Trung Quốc qua tiểu ngạch, nên cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Cùng đó, cần khuyến khích người nuôi tăng vỗ béo thêm tăng mức trung bình 120-130 kg/con, để tăng nguồn cung thịt lợn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch tập đoàn Dabaco- một “ông lớn” về nguồn cung lợn ở phía Bắc cho rằng, giá thịt tăng nóng là do vấn đề lưu thông.

“Chúng tôi có trao đổi giá hàng ngày với bên C.P, và đang bán với giá 68.000-69.000 đồng/kg hơi, nhưng giá bên ngoài lên tới 79.000-80.000 đồng/kg. Người bán có thể đẩy lên vì lợi nhuận”, ông So nói.

Theo Chủ tịch Dabaco, lúc này, cần khuyến khích tái đàn để tăng nguồn cung thịt, nhưng phải đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Tuy nhiên, ông So cho biết, thực tế, hiện nông dân các tỉnh còn e ngại tái đàn, trong khi các DN đang vào đàn rất nhanh, như Dabaco tái đàn tới 15% so với tổng đàn trước đây.

Ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin cũng cho rằng, cần phải “tháo ngòi” lưu thông để ổn định giá lợn, vì nếu để tăng quá cao sẽ phá vỡ tính ổn định của ngành.

Theo ông Lương, cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, để các hộ đủ điều kiện tái đàn. Cùng đó, các địa phương cần rà soát quy hoạch vùng chăn nuôi, “chứ không suốt ngày chỉ sốt giá và thiếu hụt”.

Tái đàn, tăng đàn để Tết có “nồi thịt kho”

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM cho biết, hiện giá lợn hơi ở trên địa bàn khoảng 70.000-72.000 đồng/kg, thế nhưng thịt ba rọi có nơi đã vọt 200.000 đồng/kg.

Vì sao tăng vọt? ông Trung lý giải: Trước đây, ở TPHCM mức tiêu thụ khoảng 9.000 con lợn/ngày, nay giảm khoảng 1.500 con/ngày, do vậy, người bán lẻ tiếp tục nâng giá lên để bán.

Theo ông Trung, phải cân đối ngay đàn lợn nái bố mẹ, lợn con thương phẩm, tính toán để biết đến Tết thiếu hụt thịt ra sao. “Mỗi nhà cần có một nồi thịt kho, nên nếu cần, phải nghiên cứu nhập thịt thời điểm trước Tết”, ông Trung nói.

Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, hiện giá lợn hơi trên địa bàn hơn 70.000 đồng/kg. Qua đợt dịch, hơn 1.000 hộ dân giết mổ nhỏ lẻ bị rút giấy phép.

Địa phương này yêu cầu các hộ không đủ điều kiện thì chuyển sang nuôi gà, trâu bò, dê… Còn đủ điều kiện thì tái đàn, theo quy trình sau 30 ngày nếu không có dịch sẽ nuôi tiếp.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã làm 5,88 triệu con bị chết, tiêu hủy, với khoảng 337 nghìn tấn, khoảng 8,8% sản lượng thịt so với cùng kỳ năm ngoái.  

Ông Cường lo ngại, nếu không cẩn thận, sẽ thiếu thực phẩm cục bộ vào “mùa ăn cỗ”- dịp Tết và quý I/2020, dù các loại thực phẩm khác tăng, nhưng cũng không thể thay thế được thịt lợn.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Cường cho rằng, cần phải tăng nguồn cung thực phẩm, từ gia cầm, gia súc, thủy sản, trứng… Đối với các doanh nghiệp đang đảm bảo tốt an toàn sinh học cần tăng đàn tối đa.

Bộ trưởng Cường cũng đề nghị các doanh nghiệp, trang trại tăng sản lượng thịt bằng cách tăng thời gian nuôi, thay vì 100 -110kg, nuôi tăng lên 140 - 150kg mới xuất chuồng để tạo nguồn cung tốt hơn.

Bộ trưởng NN&PTNT đề nghị Cục Thú y tháo gỡ ngay việc vận chuyển, kể cả lợn thương phẩm và con giống. Về thương mại, kiểm soát chặt chẽ cả nhập và xuất khẩu thịt, nhất là qua đường tiểu ngạch cả với phía Trung Quốc, Campuchia…

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.