Gia tăng bệnh nhân nhiễm độc kiến ba khoang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong những ngày qua tại khu vực phía Nam, lượng bệnh nhân bị nhiễm độc từ kiến ba khoang nhập viện điều trị tăng cao.

Mỗi ngày hàng chục bệnh nhân nhiễm độc

Sáng 26/7, anh N.V.B (38 tuổi, ngụ tại Quận 8, TPHCM) tỉnh giấc vì tình trạng ngứa, rát ngoài da ở vùng cổ và ngực. “Tôi có cảm giác rất khó chịu, từ tình trạng ngứa và rát ngoài da chuyển dần sang đau nhức nhẹ. Những chỗ đau rát trên da chuyển dần từ nổi mẩn đỏ sang tím tái. Mẹ tôi cho rằng, tôi đã bị giời leo nên đã đi mua thuốc tây về điều trị. Tuy nhiên, sau một ngày bôi thuốc vết thương ở vùng cổ và ngực của tôi bắt đầu bị trầy da, rỉ dịch với cảm giác bỏng rát”- anh B. kể.

Gia tăng bệnh nhân nhiễm độc kiến ba khoang ảnh 1

Mỗi ngày, Bệnh viện Da Liễu TPHCM đang tiếp nhận khoảng 30 trường hợp bị nhiễm độc kiến ba khoang

Ngày 28/7, anh B. đã đến Bệnh viện Da Liễu TPHCM thăm khám. Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán anh bị kiến ba khoang tấn công. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc điều trị giời leo để xử lý vết thương do độc tố của kiến là không phù hợp đã khiến tình trạng sang thương trên da trở nên nghiêm trọng.

Một trường hợp khác là bé gái M.T.K (12 tuổi) được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám với tình trạng một vết thương trên làn da ở vùng mặt kéo dài từ thái dương bên trái xuống đến vùng cổ. Các bác sĩ chẩn đoán, tình trạng của bệnh nhân là do kiến ba khoang gây ra. Vết thương có nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Bệnh viện Da Liễu TPHCM, trong tuần qua trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận khoảng 30 trường hợp đến thăm khám, điều trị do bị kiến ba khoang tấn công. BS Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, các bệnh nhân bị nhiễm độc tố từ kiến ba khoang đến bệnh viện có chung những triệu chứng thường gặp như: nổi mụn nước, bóng nước trên nền hồng ban sau khi tiếp xúc với độc tố từ 12 đến 36 giờ. Hình dạng tổn thương thường gặp là những vệt đường thẳng dài do vô tình dùng tay quệt hoặc gãi làm độc tố lan theo đường gãi. Bệnh nhân thường cảm thấy ngứa hoặc bỏng rát, một số ít trường hợp phản ứng viêm mạnh có thể bị sốt nhẹ hoặc nổi hạch vùng lân cận.

BS Lợi Em cảnh báo, các triệu chứng do nhiễm độc tố từ kiến ba khoang rất dễ nhầm lẫn với bệnh Zona. Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị bệnh Zona chẳng những không mang lại hiệu quả đối với độc tố của kiến ba khoang mà còn khiến tình trạng tổn thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn. Việc không điều trị hoặc điều trị không đúng có thể làm tình trạng viêm da diễn tiến nặng nề, dẫn đến tạo thành vết loét hoặc bị nhiễm trùng.

Cần chủ động phòng tránh

Liên quan đến tình trạng gia tăng người bệnh bị kiến ba khoang tấn công, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, TPHCM và khu vực phía Nam đang trong giai đoạn mùa mưa, đây chính là mùa sinh sản mạnh của các loài côn trùng, trong đó có loài kiến ba khoang. Loài kiến này thường sống ở những khu vực đồng ruộng, trong mùa sinh sản, chúng sẽ bay ra khỏi nơi trú ẩn và bị thu hút bởi ánh đèn.

“Nếu vô tình tiếp xúc với độc tố của kiến do lỡ tay đập hoặc chà xát kiến thì cần nhanh chóng rửa sạch. Tuyệt đối không được cào gãi để tránh làm lan độc tố và làm tổn thương da gây nhiễm trùng. Trường hợp xuất hiện triệu chứng của viêm da tiếp xúc như ngứa, bỏng rát, nổi mụn nước, bóng nước, hồng ban thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ điều trị kịp thời. Người dân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ”. BS Đoàn Văn Lợi Em

Tại TPHCM với tốc độ đô thị hóa nhanh, kiến ba khoang mất dần môi trường sống riêng nên chúng thường tụ tập quanh khu vực có đèn đường hoặc ánh đèn trong nhà người dân vào ban đêm. Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng tiếp xúc giữa kiến ba khoang với con người.

Theo BS Lợi Em, kiến ba khoang là loài rất hiền, chúng thường không chủ động đốt con người cũng như các loài động vật. Tuy nhiên, trong thân của kiến ba khoang có chứa độc tố Pederine (C24H43O9N), đây là một độc tố rất mạnh không thua gì nọc độc của rắn hổ mang. Với lượng độc tố không nhiều trên mỗi cá thể kiến sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, khi người dân vô tình lấy tay đập, quệt hoặc chà sát kiến ba khoang thì sẽ làm chất Pederin trong thân kiến tiếp xúc với da gây triệu chứng của viêm da tiếp xúc dẫn tới tổn thương, nhiễm trùng da.

Để tránh nguy cơ bị nhiễm độc tố của kiến ba khoang, HCDC khuyến cáo người dân cần tăng cường biện pháp phòng tránh như: khi làm việc vào ban đêm dưới ánh đèn cần mang đồ bảo hộ lao động tránh bị côn trùng tấn công; sử dụng cửa lưới ngăn côn trùng vào nhà; các khu nhà ở chật hẹp như ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng; sử dụng bình xịt côn trùng để tiêu diệt kiến; dùng loại bẫy đèn để dẫn dụ kiến, không cho kiến vào nhà.

MỚI - NÓNG