TPHCM:

Gia tăng bệnh nhân nguy kịch vì COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 18/3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, hơn một tháng qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM gia tăng trở lại, số ca bệnh nặng và nguy kịch có xu hướng tăng theo.
Gia tăng bệnh nhân nguy kịch vì COVID-19 ảnh 1
Vắc xin là giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Ảnh: Vân Sơn

Theo thống kê của Sở Y tế, đến nay toàn thành phố đang quản lý hơn 100.000 F0; trong đó có gần 95.000 trường hợp điều trị tại nhà và cơ sở cách ly; hơn 4.800 ca bệnh ở mức độ trung bình điều trị tại tầng 2, hơn 500 ca mức độ nặng, nguy kịch điều trị ở tầng 3. Mỗi ngày các bệnh viện ghi nhận có thêm từ 5 đến 7 trường hợp chuyển nặng cần hỗ trợ hô hấp và thở máy xâm lấn. Số ca phải thở máy xâm lấn tính đến ngày 18/3 đã tăng lên gần 100 trường hợp, trong khi giai đoạn sau Tết Nguyên đán, có thời điểm số ca thở máy xâm lấn đã giảm xuống khoảng 40 trường hợp.

Qua phân tích 63 trường hợp nặng, Sở Y tế TPHCM ghi nhận 60 trường hợp có bệnh nền. Trong đó, 6 trường hợp không biết mình có bệnh lý nền cho đến khi nhập viện; gần 43% các trường hợp thở máy do bệnh nền, bệnh cấp tính, không phải do COVID-19; gần 56% thở máy do COVID-19 chuyển nặng. Chỉ có 5 trường hợp sử dụng thuốc Molnupiravir trước khi nhập viện. Gần 67% trường hợp không thông báo y tế địa phương khi biết mình mắc bệnh và không điều trị Molnupiravir trước nhập viện. Hầu hết các ca bệnh nặng là người thuộc nhóm nguy cơ nhưng có đến 65% chưa có tên trong danh sách người thuộc nhóm nguy cơ tại các địa phương.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (chiều 17/3), ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay mỗi ngày TPHCM có từ 1 đến 3 ca tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, với tình hình các bệnh nặng, thở máy gia tăng, dự báo thời gian tới số ca tử vong sẽ nhích lên. Trước tình hình trên, Sở Y tế đang phối hợp với các địa phương “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tăng cường rà soát, thống kê và kịp thời hỗ trợ y tế cho người thuộc nhóm nguy cơ trong trường hợp mắc COVID-19.

Chiến dịch cao điểm bảo vệ người có nguy cơ mắc COVID-19 của TPHCM diễn ra từ ngày 8 đến hết tháng 3/2022. Ðến nay, theo kết quả thống kê sơ bộ, trên toàn thành phố đã lập được danh sách, đưa vào quản lý 213.773 người thuộc nhóm nguy cơ cao với các yếu tố người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền. Ngành y tế thành phố đã tiến hành xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 đối với 102.153 người và phát hiện 1.253 người mắc COVID-19.

Sở Y tế khuyến cáo cộng đồng cần chủ động khám sức khỏe, tầm soát để nhận biết bản thân thuộc nhóm nguy cơ và tự bảo vệ. Trong trường hợp nhiễm COVID-19 cần chủ động khai báo với y tế địa phương hoặc liên hệ tổng đài 1022 để được hỗ trợ.

Người thuộc nhóm nguy cơ COVID-19 bao gồm: người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, kể cả người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin COVID-19. Trong đó, người trên 65 tuổi, có bệnh nền thuộc nhóm nguy cơ cao nhất. Sở Y tế TPHCM đã triển khai chuyển đổi số xác nhận F0. Khi người bệnh thuộc nhóm nguy cơ chủ động khai báo, hệ thống sẽ gửi tin nhắn cảnh báo đến bác sĩ ở trạm y tế. Nhân viên y tế sẽ thăm hỏi sức khỏe từ xa và xem xét chỉ định thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho bệnh nhân.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.