Gia tăng bệnh mù lòa

Gia tăng bệnh mù lòa
TP - Cùng với tuổi tác, sự gia tăng quá mức các tác nhân gây hại như môi trường ô nhiễm, tia cực tím, hóa chất, ánh sáng xanh gây hại... khiến cho các bệnh lý về mắt không ngừng gia tăng.

Không khám mắt định kỳ, không quan tâm việc chăm sóc mắt hoặc chăm sóc mắt không đúng cách…khiến cho những bệnh về mắt khi bị phát hiện đều đã muộn. Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt TPHCM, ông N.V.T, 47 tuổi ở quận 3, TPHCM, cho biết mấy tháng nay mắt mình nhìn kém đi, thỉnh thoảng nhìn mọi thứ cứ nhòe nhòe. Ông T. tưởng càng già mắt càng kém nên không để ý và thăm khám. Cho đến khi cảm thấy khó chịu, có những lúc gần như không nhìn thấy gì nữa, ông mới được con trai đưa đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ kết luận ông bị suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể, nhưng đã để quá muộn.

Trường hợp của ông T. không phải là hy hữu. Thực tế, phần lớn người Việt không có thói quen khám bệnh định kỳ, chưa nói đến việc kiểm tra, chăm sóc mắt định kỳ. Kết quả điều tra quốc gia các bệnh mù có thể phòng tránh do Bộ Y tế tiến hành vừa được công bố đầu tháng 11/2015 cho thấy, chỉ riêng tại 14 tỉnh thành vẫn còn 330.000 người mù, gần 11,5% người trên 50 tuổi thị lực suy giảm. Tỷ lệ mù lòa năm 2015 chung của cả nước ước tính gần 2% dân số. Đáng chú ý, số người trên 50 tuổi có thị lực kém cả 2 mắt và mù lòa do đục thủy tinh thể đang ngày càng tăng cao.

Theo các chuyên gia trong ngành nhãn khoa, suy giảm thị lực hay mù lòa là hậu quả của chấn thương hay bệnh lý về mắt. Nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa là các bệnh lý ở thủy tinh thể và võng mạc như bệnh đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm và các bệnh lý đáy mắt khác... GS.TS Đỗ Như Hơn, nguyên Giám đốc BV Mắt Trung ương cho rằng, đây là những bệnh có thời gian diễn tiến lâu dài, triệu chứng ban đầu âm thầm nên thường bị bỏ qua như: nhìn mờ, đau nhức mắt, khô mắt, ngứa, cộm… hoặc không thể nhìn xa, nhìn rõ hình ảnh sự vật... do đó thường không được điều trị sớm và triệt để. “Người dân gần như không có thói quen khám mắt định kỳ, hoặc có phương pháp chăm sóc mắt hàng ngày.  Vì thế, thông thường khi tìm đến bác sĩ là bệnh đã ở vào giai đoạn khó có thể chữa trị”, BS Hơn nói.

Việc thiếu các thông tin chăm sóc, bảo vệ mắt từ sớm và đúng cách đã khiến cho hàng triệu người phải chịu cảnh mù lòa trong khi hoàn toàn có thể phòng tránh hoặc điều trị hiệu quả. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 75% trường hợp mù lòa trên thế giới có thể phòng, chữa được nếu có biện pháp chăm sóc và điều trị tốt các bệnh về mắt, đặc biệt là bảo vệ thủy tinh thể và võng mạc.  

MỚI - NÓNG