Gia sư áo xanh ở vùng sâu

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Nhà tôi có hai con đang tuổi đi học nhưng còn ham chơi, lười học. Sau 3 tháng hè, được các tình nguyện viên về mở lớp ôn tập hè, dạy kỹ năng. Bây giờ bước vào năm học mới, đi học về con tôi tự giác học bài, làm bài tập, chị Cầm Thị Nga (xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ.

Ở xã biên giới Ia Rvê thanh niên tình nguyện đã tổ chức nhiều lớp ôn tập cho các em nhỏ vùng sâu nơi đây. Chị Trang Nguyệt Quế, thanh niên tình nguyện trực tiếp đứng lớp chia sẻ, cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, việc học của con chưa thực sự được bố mẹ quan tâm. Các tình nguyện viên trong khoảng thời gian hè về tại xã này, mở nhiều lớp ôn tập kiến thức cho các em. “Để tạo không khí sôi động và giúp các em hào hứng, chúng tôi đã lồng ghép thêm những trò chơi đố vui. Có nhiều em, buổi sáng không tới trường ôn tập. Buổi tối, đội hình vào các thôn dạy kèm. Ngoài ra, Đội tổ chức các trò chơi, tập cho các em tự tin đứng trước đám đông”, chị Quế cho biết.

Gia sư áo xanh ở vùng sâu ảnh 1

Chị Đàm Thị Sâm (đứng) tham gia giảng dạy lớp học xóa mù chữ

Gần 3 tháng hè qua, đều đặn mỗi tối, chị Đàm Thị Sâm (đoàn viên Chi đoàn Trường Mẫu giáo xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đến hội trường thôn dạy chữ cho các bà, các mẹ. Chị Sâm chia sẻ, trong quá trình công tác tại trường mẫu giáo, nhận thấy nhiều phụ huynh chưa biết chữ. Mỗi lần có việc liên quan đến giấy tờ cho con, hay làm giấy tờ ở xã, nhiều người phải nhờ người khác đọc và viết giúp. Chị muốn mở một lớp dạy chữ vào buổi tối cho những người dân có nhu cầu, giúp họ có thể biết đọc, biết viết.

Theo chị Đàm Thị Sâm (đoàn viên Chi đoàn Trường Mẫu giáo xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar), học viên của lớp hầu hết là người dân tộc thiểu số, có nhiều cặp vợ chồng cùng rủ nhau đi học. Mọi người rất ham học, có những người nhà xa, nhiều hôm đi làm về muộn, chưa kịp ăn cơm đã vội vàng đến lớp. Sau gần 3 tháng hè, các học viên đã tiến bộ rất nhiều, biết đọc, viết tên mình và những câu từ đơn giản.

Chị Sâm vận động người dân tham gia lớp, liên hệ mượn địa điểm dạy và trích một phần tiền lương mua sắm dụng cụ học tập. Đoàn xã Ea M’nang hỗ trợ thêm sách, vở, bút viết cho lớp học. Lớp học được tổ chức tại hội trường thôn 6, duy trì từ tối thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần với hơn 20 học viên tham gia.

Bà Bàn Thị Loan (55 tuổi, trú thôn 6, xã Ea M’nang), là học viên lớn tuổi nhất lớp tâm sự: “Tôi thích đi học, muốn viết được chữ nhưng ngày xưa không có điều kiện đến trường. Khi có lớp học xóa mù chữ mở tại xã, mặc dù đã lớn tuổi nhưng tôi đăng ký tham gia học ngay. Bây giờ tôi đã biết đọc và viết tên mình và tên mọi người trong gia đình”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.