Chloe Tan biết rằng mình có lợi thế về mặt xuất thân. Cô sinh ra ở Singapore và theo học các trường quốc tế ở Thượng Hải (Trung Quốc) - nơi bạn bè cô đều thuộc tầng lớp khá giả. Mẹ cô vốn sống trong giàu có từ nhỏ và đang làm việc tại ngân hàng tư nhân; trong khi bố cô công tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Chloe Tan hiện là sinh viên năm 4 ngành Kinh tế và Khoa học dữ liệu tại ĐH Chicago (Mỹ). Hằng quý, bố mẹ Tan chi trả học phí 20.000 USD (hơn 465 triệu đồng) cho cô.
Chloe Tan hiện là sinh viên năm 4 ngành Kinh tế và Khoa học dữ liệu tại ĐH Chicago (Ảnh: Alex Sharon/CNBC). |
"Tôi nghĩ rằng ở Mỹ, mọi người vẫn thường đặt ra nhiều giả định về bạn dựa trên số tiền mà họ nghĩ rằng bạn có. Có thể một số người nghĩ tôi ăn mặc có phần lòe loẹt, trong khi đó số khác không quan tâm đến điều đó một chút nào", cô chia sẻ.
Chloe Tan cũng tâm sự rằng việc lớn lên trong sự giàu có thúc đẩy cô bắt đầu kiếm tiền từ sớm. Hồi học cấp 2, cô học cách mua quần áo từ các cửa hàng rồi bán lại cho người khác thông qua các mạng xã hội. Khi học trung học, cô bắt đầu dạy kèm và duy trì công việc đó đến tận bây giờ. Năm 2021, Tan kiếm được 55.770 USD (hơn 1,2 tỷ đồng) nhờ công việc gia sư.
Năm 2016, Tan nhận gia sư dạy kèm khi còn ở Thượng Hải. Cô bén duyên với lĩnh vực này khi cô đề nghị giúp em trai và bạn của em mình chuẩn bị cho một cuộc thi tranh biện. Mỗi tuần, họ sẽ rủ thêm một vài người bạn có cùng nhu cầu để cùng nhau học tập. Sau một thời gian, mẹ của cô khuyến khích con gái mở lớp dạy kèm để có thu nhập.
Hiện cô nhận dạy kèm môn Văn học Anh cho 16 học sinh quốc tế ở Thượng Hải đang học từ lớp 7 đến lớp 11 theo chương trình tú tài quốc tế.
Tan dành khoảng 2 giờ/tuần để chuẩn bị bài dạy. Nữ sinh này cũng dành 5-6 giờ mỗi tuần để tổ chức các buổi dạy kèm liên tiếp cho nhóm học sinh, chủ yếu vào tối thứ sáu do Thượng Hải và Chicago chênh nhau 13 tiếng đồng hồ. Cô tính phí 67 USD (hơn 1,5 triệu đồng) cho mỗi giờ dạy như thế.
"Hồi là sinh viên năm nhất, tôi khá sợ khi phải lên lịch cho tất cả tối thứ Sáu. Nhưng giờ tôi không thấy đó là sự hy sinh vì khá dễ dàng để sắp xếp cuộc sống khi có một điều gì đó nhất quán mà, nó giống như việc đi chơi với bạn bè vào thứ Bảy vậy. Việc dạy kèm vào mỗi tối thứ Sáu đã trở thành lịch cố định trong cuộc sống và việc học đại học bận rộn của tôi", Tan bộc bạch.
Tan nhận dạy kèm môn Văn học Anh cho 16 học sinh quốc tế ở Thượng Hải đang học từ lớp 7 đến lớp 11 theo chương trình tú tài quốc tế (Ảnh: Alex Sharon/CNBC). |
Nữ sinh 21 tuổi được trả tiền dạy kèm bằng nhân dân tệ. Khoản thu nhập đó được gửi vào tài khoản ngân hàng ở Singapore, nơi mẹ cô làm việc. Tan chưa dùng đến khoản tiền này. Và theo luật thuế ở Singapore, công dân không phải trả thuế cho thu nhập kiếm được từ nước ngoài.
Cô rất biết ơn sự rộng rãi của cha mẹ. Càng trưởng thành, cô nhận ra việc có đặc quyền "như một động lực để tôi cần phải làm việc chăm chỉ hơn, bởi vì tôi đã nhận được quá nhiều".
Bí quyết chi tiêu của nữ sinh 21 tuổi
Mỗi tháng cô dùng 972 USD (gần 23 triệu đồng) cho việc mua sắm, giải trí và nuôi chú mèo cưng Kaiju. Tiền thuê nhà và các tiện ích khác là 962 USD (hơn 22 triệu đồng), chia đôi với bạn cùng phòng. Cô dành 463 USD (hơn 10 triệu đồng) cho tiền ăn uống, di chuyển hết 67 USD (hơn 1,5 triệu đồng), bảo hiểm y tế 60 USD, đăng ký các nền tảng như Chowbus, Crunchyroll, Medium và Spotify hết 28 USD và tiền cước điện thoại 25 USD. Tổng chi tiêu mỗi tháng của Chloe là 2.577 USD (gần 60 triệu đồng).
Cha mẹ Chloe Tan phải trả 250.000 USD (hơn 5,8 tỷ đồng) học phí cho cô. Cô biết ơn cha mẹ vì giúp mình chi trả khoản phí này. Hơn thế, mỗi quý họ cũng trợ cấp cho con gái 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng). Tan sử dụng số tiền này cùng với thu nhập của mình để trang trải phí nhà ở, ăn uống và các nhu cầu cá nhân.
Tan muốn ra nước ngoài học đại học và đã chọn ĐH Chicago để có thể kiếm việc làm và ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp (Ảnh: Alex Sharon/CNBC). |
Danh mục chi tiêu lớn nhất của cô là mua sắm và giải trí. Tan thích mua sắm và đầu tư vào các món hàng hiệu đắt tiền hơn là thời trang nhanh. Cô đã tiết kiệm suốt 2 tháng để mua đôi giày cao gót hiệu Manolo Blahnik có mức giá 1.125 USD. Và Tan cũng chia sẻ rằng đó là món đồ đắt nhất cô tự mua cho mình.
Cô cũng thích chi tiền cho thực phẩm và thức uống, bao gồm việc mời bạn bè ăn uống. Cô chi khoảng 2.000 USD (hơn 46 triệu đồng) cho bữa tối sinh nhật của mình vào tháng 10/2021. "Vào sinh nhật của mình, bạn phải trả tiền cho toàn bộ bữa tiệc đó".
Quản lý thời gian
Tan cho biết, cô hy sinh giấc ngủ để tập trung vào việc học, cuộc sống trên mạng xã hội và công việc kinh doanh. Cô cũng bị rối loạn tăng động giảm chú ý và gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc của cô.
Có những ngày cô cảm thấy rất có động lực và có thể hoàn thành mọi công việc của một tuần. Tuy nhiên, vào các ngày còn lại trong tuần, cô lại rơi vào mệt mỏi, không làm được gì cả.
Khi việc học và công việc ngày càng nhiều lên theo thời gian, cô học cách phân chia thời gian theo kiểu chạy nước rút. Cô dành khoảng 3 ngày tập trung hoàn toàn vào việc học ở trường, sau đó, dành trọn một hoặc hai ngày để thư giãn với sở thích như xem anime, đọc truyện tranh hoặc vẽ tranh.
Tan nói: "Phương pháp này có vẻ hơi khác thường. Nó chỉ thực sự hiệu quả vì tôi kiểm soát được thời gian của mình, hơn nữa, tôi đang là sinh viên đại học".
Đặt mục tiêu cho bản thân
Công việc mơ ước của nữ sinh sau khi tốt nghiệp là trở thành quản lý sản phẩm cho một công ty công nghệ (Ảnh: Alex Sharon/CNBC). |
Gia đình Chloe Tan luôn ưu tiên giáo dục và cô là thế hệ thứ ba trong nhà theo học đại học. Cô muốn ra nước ngoài học đại học và đã chọn ĐH Chicago để có thể kiếm việc làm và ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp.
"Tôi nghĩ với tư cách là sinh viên đại học và là du học sinh, nhiệm vụ của tôi là cố gắng để tấm bằng và nền giáo dục tôi nhận được trở nên xứng đáng với bản thân, sự nghiệp cũng như bố mẹ tôi nữa", Tan nói thêm.
Công việc mơ ước của nữ sinh sau khi tốt nghiệp là trở thành quản lý sản phẩm cho một công ty công nghệ. Cô cho rằng, làm việc trong lĩnh vực STEM sẽ giúp cô dễ dàng trong việc xin thị thực việc làm tại công ty lớn hơn ở Mỹ.
Hiện tại, Chloe Tan có khoảng 70.000 USD tiền tiết kiệm và hy vọng sẽ kiếm được 300.000 USD năm 27 tuổi. Đối với công việc dạy kèm, cô sẽ tiếp tục nếu mọi người còn nhu cầu.
Cô tự nhận mình làm việc với sự tò mò hơn là vai trò của một doanh nhân. "Đối với tôi, làm việc theo kiểu "tại sao tôi lại không làm được", "Tôi cá là tôi có thể làm được"... Và chính tư duy đó đã đưa tôi tiến xa hơn trong công việc", Chloe Tan kết luận.
Link gốc: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/du-hoc-sinh-my-dut-tui-tien-ty-nho-cong-viec-day-kem-20220629001442104.htm