'Giá như'

'Giá như'
TP - Từ cái nhỏ bé đến những việc to lớn, để lại hậu quả đáng tiếc, lúc nào người ta cũng có thể nói “giá như...” Nói ra vừa là để thấm thía, vừa để tự an ủi.

Đơn cử, một thanh niên uống rượu say, gây lộn với người yêu. Do không làm chủ được bản thân đã cầm dao đâm chết cô ấy.

Giờ đây khi phải chịu hình phạt thích đáng, anh ta mới nói: Giá như tôi đừng uống rượu say và nông nổi như vậy. Người yêu thì không thể sống lại và anh ta cũng không thoát khỏi trại giam.

Hoặc một ông bố quá khắt khe với con cái. Mỗi lần con bị điểm kém, ông đều chửi thậm chí đánh đến nỗi con phải bỏ nhà ra đi. Đến lúc đó, ông mới vò đầu bứt tai: “Giá như tôi đừng quá nghiêm khắc thì đâu đến nỗi”.

Đó mới chỉ là chuyện trong nhà, còn ngoài xã hội những khi có sự cố lớn xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng như sập cầu, đắm đò làm chết người và thiệt hại vật chất, người ta cũng lại ca bài: “giá như...”.

Ai cũng biết, không có gì hoàn thiện và toàn vẹn, cũng như con người ta không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có. Vẫn biết, sai thì phải sửa, sau mỗi sai lầm thì rút ra bài học... Khi thiếu thốn hoặc chưa đủ đầy, người Việt ta lại ước có cái này, có cái kia...

Khi sai lầm để lại hậu quả đáng tiếc, người ta day dứt giá như mình không thế này, giá như không thế kia... Toàn điều chưa thực hiện được nên đành ngồi ước ao. Thế nhưng, nếu cho được làm lại, ai dám chắc rằng lại không một cái giá như tiếp theo.

Mỗi người hãy có trách nhiệm với hành động của mình, thực hiện công việc hết khả năng của mình thì mới mong hạn chế những cái “giá như” đáng tiếc trong ngày mai.

Đặng Thị Thảo
Xóm 8 Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định

MỚI - NÓNG