Tại Hội nghị CG giữa kỳ, Giám đốc WB Klaus Rohland:

Gia nhập WTO sẽ đưa Việt Nam sang trang sử mới

Gia nhập WTO sẽ đưa Việt Nam sang trang sử mới
TP - Đó là lời khẳng định của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam- ông Klaus Rohland- khi tổng kết các chủ đề chính của Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) tổ chức tại Nha Trang trong hai ngày 9-10/6.   
Gia nhập WTO sẽ đưa Việt Nam sang trang sử mới ảnh 1
Ông Klaus Rohland

Hội nghị do Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với WB tổ chức với sự tham dự của đại diện 22 quốc gia tài trợ, 13 tổ chức quốc tế, 4 tổ chức phi chính phủ quốc tế và các đại diện cho khu vực tư nhân.

Tại Hội nghị, các nhà tài trợ chúc mừng Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc gia nhập WTO cụ thể là đã kết thúc thành công quá trình đàm phán song phương với tất cả 28 đối tác có nhu cầu đàm phán.

Các nhà tài trợ bày tỏ sự ủng hộ đối với một chương trình hoạt động giải quyết những vấn đề hậu WTO của Việt Nam. Hội nghị cũng lưu ý Việt Nam rằng việc thực hiện các cải cách theo cam kết WTO sẽ giúp Việt Nam hoàn thành giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, ông Klaus Rohland nhận định: “Việc gia nhập WTO sẽ đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới. Trang sử mới này hứa hẹn sẽ tận dụng tối đa tài năng và nguồn lực của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân vững mạnh.

Ba thông điệp chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam

Thứ nhất, chống tham nhũng là yêu cầu cấp bách, là mệnh lệnh đối với Chính phủ. Thứ hai, không có “vùng cấm”, bất kỳ ai, ở đâu, ở cấp nào có hành vi tham nhũng đều bị xử lý. Thứ ba, Chính phủ đang xây dựng Chương trình hành động chống tham nhũng và sẽ nỗ lực thực hiện để nhanh chóng kìm chế, đẩy lùi tham nhũng. Toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, mọi người dân đều được động viên vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, sử dụng biện pháp toàn diện về chính trị, kinh tế, hành chính, luật pháp.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm

Chính phủ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng song cần tái trọng tâm, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ lập  nên một nền tảng thể chế và pháp lý hiện đại phù hợp với nền kinh tế thị trường và đảm bảo rằng các công dân Việt Nam đều có cùng cơ hội để được hưởng lợi từ việc tăng trưởng”.

Ông Daisuke Matsunaga - Tham tán Công sứ ĐSQ Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần tính toán kỹ lưỡng khi lập kế hoạch phát triển, dựa trên qui trình soạn thảo cởi mở, huy động các chính sách và nguồn lực để đạt được các mục tiêu phát triển đồng thời, thực hiện giám sát và đánh giá thường xuyên.

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, quan trọng là cần phải nâng cao năng lực của cấp tỉnh trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch của tỉnh, đề ra cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh với nhau.

Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết giữa qui trình lập kế hoạch và qui trình ngân sách ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh, cần kết hợp tốt hơn giữa chi đầu tư cơ bản và bảo dưỡng để đảm bảo sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng.

Đại sứ Thụy Điển, bà Anna Lindstedt, cho rằng, cam kết của Việt Nam về chống tham nhũng như đã nêu trong Luật Chống tham nhũng đáng được khen ngợi. Bà Đại sứ nói tham nhũng gây tác hại đến người nghèo, tăng chi phí hoạt động kinh doanh và làm giảm hiệu quả của các hỗ trợ ODA.

Theo bà Anna Lindstedt, tự do báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các cơ quan chính phủ và việc phát hiện các vụ tham nhũng gần đây, đó là những dấu hiệu tích cực đối với Việt Nam.

Tại hội nghị, Giám đốc quốc gia WB - ông K. Rohland khẳng định: “Chúng tôi đều ủng hộ ba mục tiêu chính trong Kế hoạch 5 năm của Việt Nam gồm Phát triển kinh tế;  Hòa nhập xã hội; và Phát triển bền vững về môi trường”. Giám đốc WB cho rằng xây dựng một nền quản lý hiện đại và thông qua đó đấu tranh chống tham nhũng sẽ tạo nền tảng cho những thành công dài hạn của Việt Nam.

Tại phiên bế mạc Hội nghị, các nhà tài trợ nhất trí sẽ tiến hành Hội nghị chính thức tư vấn các nhà tài trợ vào tháng 12 tới tại Hà Nội. 

Đ.P
(Tổng hợp)

MỚI - NÓNG