Gia đình liệt sỹ bỗng dưng mất đất

Ngôi nhà ông Oánh xây trên lô đất của ông Phong, bị bà Duê bán trái phép
Ngôi nhà ông Oánh xây trên lô đất của ông Phong, bị bà Duê bán trái phép
TP - Đã chục năm nay, gia đình ông Lê Văn Phong và bà Đỗ Thị Mai (con liệt sỹ) trú ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình không nhà cửa, phiêu bạt tứ phương chỉ vì bỗng dưng bị mất lô đất được cấp theo diện gia đình chính sách.

> Một gia đình liệt sĩ cần được giúp đỡ

Ngôi nhà ông Oánh xây trên lô đất của ông Phong, bị bà Duê bán trái phép
Ngôi nhà ông Oánh xây trên lô đất của ông Phong, bị bà Duê bán trái phép.

Bỗng dưng mất đất

Ông Lê Văn Phong (SN 1960) hiện đang tá túc tại nhà của anh trai cho biết: Năm 1996, gia đình ông được UBND tỉnh Quảng Bình cấp một lô đất 93m2 (trả tiền theo giá gốc 24 triệu đồng) để làm nhà ở theo diện gia đình chính sách tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới.

Do không có tiền để làm nhà, vợ chồng ông phải vào miền Nam làm thuê làm mướn, đến năm 2002 khi quay trở về thì lô đất nói trên đã bị ông Hoàng Văn Oánh làm nhà ở.

Sau nhiều năm ông Phong gõ cửa các cơ quan công quyền, tháng 10-2006, vụ việc được TAND TP Đồng Hới thụ lý. Tại phiên tòa, ông Phong cho biết, gia đình ông đánh mất sổ đỏ của lô đất trên. Năm 2000, khi đang làm các thủ tục cấp lại sổ đỏ, ông phát hiện lô đất mình đã bị người khác chiếm dụng.

Còn ông Oánh cho rằng, năm 2001 ông mua lại sổ đỏ mang tên ông Phong với giá 30 triệu đồng từ bà Trần Thị Duê, ở phường Đồng Phú, TP Đồng Hới. Còn bà Duê nói, được bà Trần Thị Hương (hàng xóm, nay ở Cộng hòa Liên bang Đức) cầm cố sổ đỏ với số tiền 30 triệu đồng.

Tòa tuyên hợp đồng mua bán đất của ông Oánh bà Duê vô hiệu, yêu cầu ông Oánh phải dỡ nhà, trả đất cho gia đình ông Phong; ông Phong phải bồi thường cho ông Oanh 25 triệu đồng.

Không đồng tình với bản án, 2 bên kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm. Tuy nhiên, phía gia đình ông Phong đề xuất được sử dụng ngôi nhà của ông Oánh đã xây, chấp nhận trả 2/3 giá trị ngôi nhà là 60 triệu đồng cho ông Oánh.

Tòa tối cao: Hai nhận định "đá" nhau

Không đồng tình với phán quyết của tòa phúc thẩm, ông Oánh khiếu nại lên TANDTC. Tháng 9-2007, Phó Chánh tòa Dân sự, TANDTC Nguyễn Văn Soang có công văn trả lời: Cấp phúc thẩm xét xử vụ đòi lại đất của ông Lê Văn Phong là đúng pháp luật, không có cơ sở để chấp nhận các yêu cầu nêu trong đơn khiếu nại của ông Oánh; đồng thời hướng dẫn ông Oánh có thể khởi kiện bà Duê trong một vụ kiện khác.

Thi hành bản án phúc thẩm, Cơ quan Thi hành án Dân sự TP Đồng Hới đã thu 60 triệu của ông Phong và cưỡng chế gia đình ông Oánh trả lại đất và giao nhà cho ông Phong.

Những tưởng vụ việc đã kết thúc, không ngờ tháng 12-2009 (khi chỉ còn 3 ngày nữa là hết thời hiệu của vụ án), TANDTC lại ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Sau đó, Hội đồng thẩm phán phiên giám đốc thẩm lại tuyên hủy bản án phúc thẩm, giao TAND Quảng Bình xét xử lại từ đầu, với lý do: ông Phong không xuất trình được sổ đỏ còn ông Oánh lại có sổ đỏ mang tên ông Phong; thêm nữa bà Duê khai bà Hương nhận cầm cố sổ đỏ này từ bà Cúc em dâu của ông Phong.

Vụ việc quay lại vạch xuất phát, TAND TP Đồng Hới xét xử sơ thẩm lại từ đầu. Mặc dù Công an TP Đồng Hới khẳng định không có cơ sở cho rằng bà Cúc (em dâu ông Phong) đã mang cầm cố sổ đỏ của anh mình cho bà Hương, song HĐXX lại nhận định vụ việc theo hướng khác, cho rằng bà Duê chuyển nhượng lô đất của ông Phong cho ông Oánh là trái luật nhưng ngay thẳng, còn ông Phong quản lý sổ đỏ không tốt nên lỗi của các bên tương đương nhau.

Từ đó, HĐXX tuyên buộc gia đình ông Phong và bà Mai phải mua lại ngôi nhà của ông Oánh theo định giá mới 246 triệu đồng và bồi thường thiệt hại do lỗi mình gây ra là 74 triệu đồng. Tổng cộng ông Phong phải trả cho ông Oánh hơn 320 triệu đồng.

Bà Phan Thị Thanh, vợ của 2 liệt sỹ và là mẹ của ông Phong nói: "Thằng Phong đang học lớp 9 thì phải nhập ngũ để bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi ra quân, không có bằng cấp nó phải lặn lội làm thuê làm mướn khắp nơi. Được nhà nước quan tâm cấp cho một lô đất, ai ngờ bị người ta cướp không, vậy mà đòi mãi vẫn không được".

Luật sư Dương Viết Tình, người bảo vệ quyền lợi cho ông Phong bức xúc cho rằng: Việc ông Oánh, bà Duê mua bán sổ đỏ của ông Phong là bất hợp pháp, không lý gì lại bắt ông Phong phải chịu trách nhiệm. Về nguyên tắc, ông Phong được nhận lại đất mà không phải kèm theo bất kỳ điều kiện gì.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.