Giá điện về một mức chung?

Ghi số công tơ để tính tiền điện bằng phương tiện điện tử. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ghi số công tơ để tính tiền điện bằng phương tiện điện tử. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Áp dụng biểu giá điện đồng giá nhưng có tính tới hỗ trợ cho người nghèo, đồng thời có biện pháp buộc EVN tăng năng suất lao động, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng để giảm sức ép tăng giá điện... là đề xuất của nhiều chuyên gia tại diễn đàn “Cơ sở khoa học của việc tính giá điện”.

Diễn đàn “Cơ sở khoa học của việc tính giá điện” do Hiệp hội các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng 16/10 tại Hà Nội.

Giảm tổn thất điện để giảm sức ép tăng giá

Ngành điện có những đóng góp lớn cho xã hội tuy nhiên theo TS Ngô Đức Lâm, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, mỗi lần điều chỉnh giá điện, sự đồng thuận của người dân không cao, thậm chí bị phản ứng gay gắt chỉ vì ngành điện độc quyền còn rất lớn.

Theo vị chuyên gia này, xây dựng biểu giá điện cần xem xét nhiều yếu tố khác trong đó có tổn thất truyền tải hệ thống. Hiện tại, chi phí này đang ảnh hưởng không nhỏ đến giá điện. Năm 2013, tổn thất truyền tải hệ thống là 8,8%. Đến năm 2014 đã tăng trên 9%. Tính toán cho thấy, nếu tổn thất truyền tải hệ thống tăng thêm 1%, ngành điện sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh. Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/kWh, năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh nếu nhân với số lượng tổn thất thì đây là con số rất lớn.

Một yếu tố nữa cần xem xét trong xây dựng phương án tính giá điện, theo ông Lâm, là các loại phí điều độ, vận hành thị trường và yếu tố tiền lương trong giá điện thể hiện năng suất lao động trong ngành điện lực. Các Thông tư của Bộ Công Thương và Bộ LĐ-TB&XH cũng cần phải bàn thêm về số người được tính hưởng lương cho 1kWh”, ông Lâm nói.

“Khi tính toán giá điện tôi nhận thấy các Thông tư hướng dẫn quy định nhiều loại giá nằm ngoài quy định của luật, không đúng với quy định. Các văn bản nhà nước hiện nay đang tạo cơ chế thông thoáng, có lợi cho EVN và dẫn tới bất lợi cho quá trình cạnh tranh”.

TS Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An cho biết, qua tiếp xúc, cử tri nhiều nơi bức xúc và muốn bỏ chữ “thượng đế” khi là người tiêu dùng điện vì chưa được đối xử như đúng nghĩa. Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, cần xem xét đầu vào giá điện đã minh bạch chưa? Có cử tri thắc mắc Tập đoàn Điện lực Việt  Nam (EVN) lúc kêu lỗ, lúc nói lãi là như thế nào? “Việc tiết kiệm điện là cần thiết, ai cũng cần phải sử dụng tiết kiệm điện dù ở mức thu nhập nào. Cá nhân tôi ủng hộ phương án 1 giá nhưng có hỗ trợ người nghèo”, bà An nói.

GS Nguyễn Hữu Tăng, Phó Chủ tịch VUSTA cho rằng, người nghèo bao giờ cũng tiết kiệm điện.Việc quy định, bảng giá nhiều bậc không có tác dụng khuyến khích người nghèo sử dụng tiết kiệm điện vì hiện tại người nghèo đã được hỗ trợ 30 kWh. Việc để nhiều bậc, sẽ gây khó do người dân không biết tính cụ thể như thế nào. 

“Cố gắng quay lại 1 giá là bước đi tiến bộ. Với tình hình hiện tại của Việt Nam, cần khuyến khích EVN kinh doanh, không nên lẫn lộn vai trò. Việc hỗ trợ người nghèo là việc của Nhà nước và Nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ. Với phương án đồng giá đưa ra ở mức 1.747 đồng/kWh đồng nghĩa với việc giá điện tăng lên khá cao so với hiện tại nếu tính cả VAT. Tuy nhiên, do đang ở bước quá độ, nên xây dựng biểu giá điện gồm 2 bậc”, ông Tăng nói.

Giá điện về một mức chung? ảnh 1 Cần tăng năng suất lao động để giảm sức ép tăng giá điện. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bộ Công Thương phải đứng ra xây biểu giá điện

Ông Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, giá điện ở Việt Nam đã điều chỉnh tăng 8 lần, chỉ có tăng, không giảm. Thậm chí có năm tăng 2 lần, mỗi lần 5%. Nếu giờ tính cả VAT, giá điện đã ở mức 1.784 đồng/kWh (tương đương 8,3 cent). Tính giá bán điện phải dựa trên cơ sở giá thành, nhưng giá thành là bao nhiêu thì dân không biết nên không có cơ sở để xác định giá bán là cao hay thấp.

“So sánh giá điện Việt Nam với các nước khác để kết luận giá điện trong nước thấp là khập khiễng. Quan điểm xây dựng biểu giá điện đồng giá có vẻ dễ hiểu, dễ làm nhưng chưa thích hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam. Đồng giá mà áp dụng mức cao thì người nghèo không đủ tiền trả, thấp thì EVN lỗ. Khi nào thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo thì mới có thể áp dụng một giá. Vì vậy vẫn nên áp dụng giữ nguyên giá bậc thang lũy tiến như hiện nay nhưng cần phải nghiên cứu kỹ về bước nhảy, áp giá cho từng bậc”, ông Duệ nói.

Ông Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam cho rằng, do đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp, Việt Nam cần phải có giá điện bậc thang. “Theo nguyên tắc toán học thì càng chia nhỏ càng chính xác. Tôi đồng ý với ý kiến là rút xuống còn 5 bậc. Nói biểu giá nhiều bậc quản lý khó là ngụy biện, còn áp dụng 1 mức giá thống nhất cũng không nên. Tổng cục Năng lượng của Bộ Công Thương phải đứng ra tổ chức việc xây dựng biểu giá điện, không phải EVN, đồng thời tập hợp đội ngũ chuyên gia thống nhất phương pháp tính toán, phần nào đưa vào cần phải rõ ràng”, ông Phùng nhấn mạnh.

Đánh giá vai trò của Cục Điều tiết là vô cùng quan trọng,  GS TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, ngoài việc sửa biểu giá điện, cần sửa vai trò điều tiết nhà nước của Bộ Công Thương. Việc xây dựng biểu giá điện là trách nhiệm của Bộ Công Thương, không phải của EVN.

MỚI - NÓNG