Người trẻ dành quá nhiều thời gian ngồi làm việc, giải trí với màn hình điện thoại, máy tính có nguy cơ cao mắc các bệnh về cột sống. |
Minh Khoa (25 tuổi), nhân viên công nghệ thông tin tại TPHCM, dành hơn 10 tiếng mỗi ngày ngồi làm việc trên máy tính. Khi không làm việc, Khoa cũng dành thời gian còn lại chơi game, xem phim trên màn hình máy tính. Thời gian đầu, anh chỉ cảm thấy mỏi nhẹ ở lưng sau mỗi ngày dài. Nhưng rồi, cơn đau kéo dài hơn, lan xuống hông và chân. "Có hôm ngồi làm việc lâu quá, đứng dậy mà tôi không thể đi thẳng được, phải khom lưng trong vài phút," Khoa chia sẻ. Đi khám, anh ngỡ ngàng khi bác sĩ chẩn đoán thoát vị đĩa đệm ở đốt sống L4-L5, một tình trạng vốn phổ biến ở người già.
Không chỉ nhân viên văn phòng, các loại bệnh về cột sống cũng đang là một vấn đề nhức nhối đối với người trẻ Gen Z. Linh Chi (22 tuổi), sinh viên năm cuối tại TPHCM, hầu như sống cùng laptop để hoàn thành các bài thuyết trình và đồ án nhóm suốt 4 năm qua. Đặc biệt vào mùa cao điểm, Chi kể rằng có thể ngồi từ sáng đến tối, thậm chí xuyên đêm để “chạy deadline” (tạm dịch: thời hạn). Nhờ đó thành tích học tập của bạn rất cao nhưng ở chiều ngược lại, cơn đau lưng, đau mỏi vai gáy ngày càng tệ đi.
“Mình nghĩ chỉ cần nghỉ ngơi một chút sẽ đỡ, nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn. Đến khi không còn có thể chịu nổi nữa, mình quyết định đến phòng khám kiểm tra và được chẩn đoán hội chứng cổ vai gáy, một hệ quả của việc căng cơ kéo dài”, Chi nói.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, với lối sống ngồi một chỗ, không vận động cùng tâm trí luôn căng thẳng khi phải xử lý bài tập, Linh Chi có nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ khi bước sang tuổi 30, độ tuổi vốn là thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của nhiều người.
Bệnh về cột sống đang có xu hướng trẻ hóa
Tại sự kiện “Kết án hung thủ S – Vì tương lai cột sống Gen Z” do nhóm sinh viên Trường Đại học FPT TPHCM tổ chức, TS.BS.CKII Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cảnh báo người trẻ đang đứng trước nguy cơ mắc các bệnh lý cột sống nếu không thay đổi lối sống kịp thời. Theo ông, thống kế cho thấy khoảng 30% bệnh nhân mắc bệnh lý cột sống hiện nay thuộc độ tuổi lao động, bao gồm cả học sinh, sinh viên.
Đáng chú ý, 50% trong số các bệnh nhân khám về thần kinh đều gặp các vấn đề liên quan đến cột sống. Những bệnh phổ biến như thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, viêm tủy sống và chấn thương cột sống đang có xu hướng trẻ hóa.
Bác sĩ Võ Văn Tân cùng host Thầy Beo U40 trò chuyện với sinh viên về vấn đề cột sống tại buổi talkshow "Kết án Hung thủ “S” - Vì tương lai cột sống GenZ". |
Nguyên nhân chính gây ra các vấn đề này là thói quen ngồi sai tư thế, ngồi lâu trước máy tính, cúi đầu nhìn điện thoại trong thời gian dài, mang vác nặng hoặc tham gia các hoạt động thể thao không đúng cách. Bên cạnh đó, căng thẳng kéo dài cũng là một yếu tố tác động tiêu cực đến cột sống, gây ra tình trạng căng cơ và đau nhức vùng lưng, vai. Nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng như đau lưng, đau cổ, tê bì, châm chích ở tay và chân sẽ ngày càng nặng hơn, làm giảm khả năng vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Để ngăn ngừa nguy cơ bệnh lý cột sống, bác sĩ khuyến nghị người trẻ cần thay đổi lối sống. Các thói quen như ngồi đúng tư thế, vận động thường xuyên sau mỗi 30 phút làm việc, ngủ đủ giấc, hạn chế mang vác nặng và kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp bảo vệ cột sống hiệu quả. Ngoài ra, tập thể dục đều đặn với các bài tập phù hợp như yoga hay plank cũng là cách tăng cường sức khỏe cột sống.
Người trẻ chung tay nâng cao nhận thức về sức khỏe cột sống
Trước tình trạng trẻ hóa của các bệnh về cột sống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giới trẻ, nhóm sinh viên ngành Quản trị Truyền thông Đa phương tiện tại Đại học FPT TPHCM đã khởi động chiến dịch Kỳ án “S” – Tương lai cột sống GenZ. Bắt đầu từ tháng 10, chiến dịch đã lần lượt đến các điểm trường Đại học FPT TPHCM, Đại học Kinh tế - Tài chính và Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM, góp phần nâng cao nhận thức về sức khỏe cột sống và kêu gọi cộng đồng người trẻ chung tay bảo vệ tương lai vững vàng của thế hệ Gen Z.
Các bạn trẻ thích thú trải nghiệm các bài kiểm tra sức khỏe cột sống tại sự kiện Kỳ án "S". |
Chiến dịch Kỳ án “S” mang đến cho các bạn trẻ một nơi có thể chia sẻ các vấn đề cột sống, cũng như những khó khăn khác xoay quanh những cuộc chạy đua với “deadline” kéo dài nhiều giờ liền. Bên cạnh đó, các sự kiện bên lề của chiến dịch còn cung cấp cho các bạn trẻ các kiến thức thiết thực như các bài tập vận động, chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Bạn Mỹ Linh (19 tuổi, trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM) chia sẻ: "Mình thường xuyên tìm các bài tập yoga thư giãn vai gáy, cột sống trên tiktok nhưng không mấy hiệu quả. Đến sự kiện này, mình được gặp các chuyên gia, được chia sẻ vấn đề cá nhân và nhận được những lời khuyên rất bổ ích và uy tín. Mình nghĩ những chương trình như thế này rất cần thiết đối với đời sống sinh viên hiện nay, khi mà 'văn hóa chạy deadline' là điều không thể tránh khỏi".
Đại diện ban tổ chức cho biết, hơn 31.000 người Việt Nam mắc các bệnh về cột sống, trong đó vẹo cột sống vô căn đang gia tăng ở độ tuổi 10-18, gây lo ngại về sức khỏe và chất lượng cuộc sống của thanh thiếu niên. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe cột sống cho giới trẻ, chiến dịch Kỳ Án “S” đã ra đời với sứ mệnh không chỉ nâng cao nhận thức cộng đồng mà còn kêu gọi sự ủng hộ thiết thực: quyên góp ít nhất 15 triệu đồng cho Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, từ đó góp phần hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân gặp các vấn đề về cột sống.
Chiến dịch đã nhận được sự quan tâm của hơn 1.000 sinh viên của 3 trường đại học. |
Sau khi dừng chân tại điểm trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM vào ngày 29/11 vừa qua, Chiến dịch Kỳ án “S” dự kiến sẽ chính thức khép lại vào ngày 6/12, đánh dấu hành trình 15 tuần đầy ý nghĩa với sự tham gia sôi nổi của cộng đồng người trẻ.