Gặt lúa non

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần nửa năm qua, vợ chồng chị Thảo, nhân viên một doanh nghiệp sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, không có việc làm ổn định do ảnh hưởng dịch bệnh. Khoản tiền trợ cấp và tích lũy ít ỏi trước đó nhanh chóng cạn kiệt, chị Thảo đành đến Bảo hiểm Xã hội thành phố Thủ Đức (TPHCM) làm thủ tục thanh toán bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để có tiền trang trải cho gia đình, nhất là lo cho hai đứa con học hành.

Cầm cuốn sổ với 15 năm đóng BHXH trong tay, chị Thảo bần thần, đi tới đi lui trong tâm trạng đắn đo, lo lắng: “Rút thì sẽ được một khoản tiền lo cho cuộc sống ngay bây giờ, nhưng mình sẽ không còn chỗ tựa tài chính sau này khi hết tuổi lao động. Lúc đó sẽ không biết phải thế nào...”.

BHXH là chính sách an sinh của Nhà nước với mục đích đảm bảo nguồn thu nhập nhất định hằng tháng và là tiền dành cho việc ổn định cuộc sống của người lao động khi nghỉ hưu. Khoản tiền đó, do người lao động tích lũy trong quá trình làm việc cùng với trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, để chi dùng cho chính người lao động trong tương lai.

Tuy nhiên, dịch bệnh khốc liệt, kéo dài khiến nhiều người rơi vào tình cảnh khốn khó nên đành chọn giải pháp “gặt lúa non” và “ứng trước tương lai”, ăn “của để dành” để giải quyết nhu cầu trước mắt. Những ngày qua, số hồ sơ rút tiền bảo hiểm một lần tại một số cơ quan Bảo hiểm Xã hội ở TPHCM tăng mạnh. TPHCM hiện có trên 2,2 triệu người tham gia BHXH và việc hưởng BHXH một lần đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Bảo hiểm Xã hội thành phố đã giải quyết trên 95.000 hồ sơ với số tiền chi trả trên 6.000 tỷ đồng.

Ngoài một vài lý do khác, nguyên nhân chính dẫn đến việc người lao động thanh toán BHXH một lần vẫn là do quá khó khăn. Điều đó cho thấy, chính sách an sinh xã hội nói chung và các gói hỗ trợ người lao động nói riêng vẫn còn hạn chế, chưa đủ để nâng đỡ những lao động nghèo vượt qua giai đoạn “thắt cổ chai” này. Nó cũng cho thấy, phần lớn người lao động vẫn chưa nhận thức đúng, rõ về vai trò, tầm quan trọng của BHXH trong đời sống cũng như ổn định xã hội nên đã không ngần ngại tiêu ngay khoản để dành cho tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, việc hưởng BHXH một lần không chỉ thiệt thòi cho chính người lao động mà còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Khi nghỉ hưu, người đã hưởng BHXH một lần không những không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng mà còn không có thẻ Bảo hiểm Y tế nên sẽ gặp trở ngại trong việc chi trả các khoản chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Chưa kể, họ sẽ không tránh khỏi tâm lý mặc cảm, tự ti vì phải phụ thuộc vào con cháu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Khi sức khỏe, chất lượng cuộc sống giảm sút sẽ tạo ra vòng lặp, gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội. Mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động ở tuổi nghỉ hưu thông qua chính sách BHXH vì thế không đạt được yêu cầu.

Hàng triệu người lao động nghèo phải “gặt lúa non” ở hiện tại đã phần nào nhìn thấy trước tương lai khó khăn của mình. Và vì thế, họ cũng khó tìm thấy cơ hội thoát khỏi vòng luẩn quẩn khó khăn-bệnh tật-đói nghèo.

MỚI - NÓNG