Gặp lại kỳ nhân trên đỉnh Aguh

Tự học, tự mày mò, Blúp Âu không chỉ đàn ghita giỏi mà còn chơi Organ hay, phục vụ dân làng nơi vùng biên cương
Tự học, tự mày mò, Blúp Âu không chỉ đàn ghita giỏi mà còn chơi Organ hay, phục vụ dân làng nơi vùng biên cương
TP - Nhớ mãi mùa mưa lũ năm 2009, chúng tôi vượt mưa núi cõng đàn mang đến cho chàng trai mù Blúp Âu nơi cổng trời Tây Giang (Quảng Nam). Số là sau khi đọc phóng sự “Lên cổng trời Trường Sơn nghe hát” (Tiền Phong ngày 3/9/2009), biết được khát khao của Blúp Âu, bác sĩ Đặng Thế Hạnh (Viện bỏng Quốc gia) từ Hà Nội gửi vào tặng một cây đàn Organ.

Khi đó, Âu mừng chảy nước mắt, vì ước mơ của chàng trai nghèo bất hạnh, mù lòa bấy lâu đã thành hiện thực. Gần 5 năm sau, mới có dịp gặp lại Blúp Âu, để rồi bất ngờ khi Âu tiếp tục làm nên những điều kỳ diệu trên đỉnh núi Aguh.

Luyện đàn trong bóng tối

Thôn R`bhượp, xã A Tiêng (Tây Giang) nay đã di dời về nền đất mới. Đường vào thôn giờ đỡ vất vả hơn xưa. Những căn nhà mới sạch đẹp tựa mình bên đỉnh núi Aguh huyền thoại. Hỏi thăm Blúp Âu, dân làng ai cũng tấm tắc khen ngợi. 

Một thanh niên chỉ tay về ngôi nhà sàn còn dang dở, nói: “Thằng Âu giờ đàn hay, hát giỏi lắm. Có đàn Organ nó đi lưu diễn phục vụ dân làng khắp nơi. Nó đã có vợ, đang tự tay dựng nhà cho riêng mình nữa đó” .

Blúp Âu ngó bộ có vẻ “già” hơn trước, nhưng dưới cặp kính đen vẫn là nụ cười hiền lành của chàng trai Cơ Tu. Nghe giọng khách, Âu đã nhận ra người quen 5 năm trước. Ríu rít bắt tay, hỏi han đủ điều. Âu đọc vanh vách tên khách, tên tuổi vị bác sĩ đã tặng đàn cho mình và cả số điện thoại. Dân làng xúm quanh tíu tít: “G`lăng li`ngơơr!” (thông minh tuyệt vời).

Blúp Âu kể, cây đàn Organ, với anh là món quà đặc biệt. Hằng ngày, rảnh rỗi Âu đều dành thời gian luyện đàn ghita và Organ. Chiếc radio cũ vẫn là bạn đồng hành duy nhất giúp Âu học cách đánh đàn. “Mở đài lên, nghe đài hát mình tập đánh theo. Dần rồi mình học được cách đánh đàn Organ. 

Đàn cũng dễ, quan trọng là có chịu khó hay không thôi”, Âu cười. Blúp Âu tự mày mò từng phím đàn, dần học được cách đánh. Dân làng ai cũng hết lời khen ngợi. Và cây đàn Organ trở thành tài sản quý không chỉ đối với Âu mà cả với dân làng R`bhượp và xã A Tiêng. 

Mỗi lần có lễ hội, lễ tết, đám cưới, Âu đều được dân làng mời đến đàn hát. Trong âm vang trống, chiêng rộn ràng, tiếng đàn và lời ca của chàng trai mù vang lên điểm tô những thanh điệu mới giữa bát ngát núi rừng.

Tuy bị mù, nhưng Âu có khả năng đặc biệt là nhớ đường rất giỏi. Một mình trong rừng, nhưng chưa bao giờ Âu bị lạc. Âu kể: Chỉ cần nghe tiếng chim hót, tiếng gà gáy và cả tiếng gió rừng, lá cây, đất đá va vào nhau dưới bước chân là Âu biết được đường đi lối về. 

Lấy vợ, dựng nhà nhờ yêu đàn

Nể phục tài năng cũng như đức tính cần cù chăm chỉ của chàng trai mù, nhiều cô gái đem lòng yêu thương, mê lời ca tiếng hát của Âu. Trong số đó, có thiếu nữ Bnướch Thị Niêm (20 tuổi). Cô thiếu nữ Cơ Tu xinh xắn, sinh ra và lớn lên ở trung tâm thị trấn huyện Tây Giang trong một gia đình khá giả. 

Gặp lại kỳ nhân trên đỉnh Aguh ảnh 1

Vợ chồng Blúp Âu hạnh phúc bên nhau

Biết về hoàn cảnh cũng như tài nghệ của Âu, cô đem lòng yêu thương, dù bị gia đình cấm đoán. Cuối năm 2013, một đám cưới nhỏ tổ chức, Âu và Niêm thành vợ chồng. Cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng cả hai luôn yêu thương nhau. 

“Ước gì mình một lần được ra biển, đàn hát ở Trường Sa, Hoàng Sa, để động viên tinh thần anh em ngoài ấy!”.

Blúp Âu

Cảnh vợ chồng dìu dắt nhau lên rẫy trồng lúa trỉa bắp, chặt củi khiến dân làng cảm động. Dân làng R`bhượp kể: Từ ngày lấy nhau, Âu và Niêm như hình với bóng, không tách nhau nửa bước. Blúp Âu vui hơn, đàn hát hay hơn và hăng say làm việc hơn từ ngày có vợ.

“Chúng mình yêu nhau thật lòng. Nó không chê mình mù lòa, bất chấp tất cả để đến với mình. Có nó, mình như thấy được ánh sáng mặt trời. Nó là hai con mắt của đời mình”, Âu nói về vợ.

Tình yêu và cuộc sống gia đình làm Blúp Âu thêm niềm vui và chăm chỉ hơn nữa. Dù mù lòa, hằng ngày Âu vẫn lên rẫy làm nương. Cưới nhau được mấy tháng, Niêm mang bầu. Thương vợ và mong muốn có một ngôi nhà riêng cho gia đình mình, Âu xin phép bố, xin đất làng để dựng riêng mình căn nhà.

Quyết định làm nhà được đưa ra, trong gia đình ai cũng phản đối, bởi lo Âu mù lòa, không làm được gì. Quyết là làm, ròng rã một tháng trời, Âu mò mẫm lên rừng đốn gỗ, vác về làng. Ngày qua ngày, Âu miệt mài đến khi gỗ, tre nứa đã đầy, mới nhờ dân làng xúm lại dựng nhà. Tháng 3 vừa qua, bộ khung nhà sàn được dựng lên. Tôn cũ dân làng góp lại để lợp mái. 

Ngày ngày Blúp Âu lên rừng chặt nứa, mây, tre để đan phên làm nhà. Hôm chúng tôi lên, căn nhà đã cơ bản hoàn thành. Âu một mình ngồi bệt giữa sàn nhà, tay vót mây, chẻ nứa đan lát từng tấm phên.

“Đàn ông phải tự tay dựng nhà thôi. Mình quyết tự tay làm nhà để sau này vợ con đỡ khổ”, Âu tâm sự. Nhìn căn nhà, ít ai ngờ, ròng rã gần nửa năm nay một tay chàng Âu mù lòa làm nên.

Những ngày này, khi nghe đài nói về tình hình biển Đông, ôm đàn ngồi hát những ca khúc biển đảo phục vụ dân làng nơi biên cương, Blúp Âu ao ước: “Ước gì mình một lần được ra biển, đàn hát ở Trường Sa, Hoàng Sa, để động viên tinh thần anh em ngoài ấy!”.

Từ ngày có đàn Organ, Âu thường xuyên tham gia các đội quân tình nguyện của thanh niên xã và huyện. Mỗi lần như vậy cây đàn ghita và Organ đều được Âu gùi theo để phục vụ anh em đoàn viên trong thôn, xã. Âu chăm chỉ làm việc, đàn hát say sưa động viên anh chị em, khiến nhiều người cảm kích, nể phục. 

MỚI - NÓNG