Gặp con trai anh hùng 'Hải chiến Gạc Ma' giữa Trường Sa

Ảnh: Đinh Đức Tùng
Ảnh: Đinh Đức Tùng
TP - Trong chuyến ra Trường Sa giữa tháng 4, tôi may mắn được trò chuyện với trung úy Vũ Xuân Đăng - con trai liệt sỹ - thuyền trưởng Vũ Phi Trừ. Câu chuyện Gạc Ma lại dội về...

Thức trắng nhiều đêm chuẩn bị quà cho đồng đội

Trong chuyến công tác Trường Sa và nhà giàn DK 1 những ngày đầu tháng 4, tôi được tổ chức bố trí chỗ ăn ở với sự góp mặt của một người lính. Được biết, anh tên là Vũ Quang Tiệp, từng 10 năm cống hiến trên các điểm, đảo của quần đảo Trường Sa. Lại nữa, trong lần tâm sự với đồng chí (trên tàu của lực lượng Hải quân, anh em dân sự chúng tôi hay gọi nhau là “đồng chí”) Nguyễn Chí Nhật - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Sơn La, anh Nhật tiết lộ: “Tiệp là cháu của một liệt sỹ ở Gạc Ma đấy!”. Thông tin đã hấp dẫn tôi viết một chuyên đề về người lính. “Anh Tiệp, cho em ít phút nhé! Em rất muốn tìm hiểu câu chuyện của anh và những người lính đảo” - tôi bắt đầu tiếp cận nhân vật như thế. Người lính đảo thủa nào vui vẻ nhận lời.

“Mẹ luôn dạy dỗ hai anh em mình phải tiếp nối truyền thống của gia đình, tiếp nối tấm gương anh dũng hy sinh của bố và các chú, các bác trong hải chiến Gạc Ma. Mẹ mình bảo, các con hãy tiếp tục sống như bố, tiếp tục cống hiến và sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần, hãy để bố cùng đồng đội ở nơi biển đảo mãi tự hào về thế hệ tương lai”.

Trung úy 

Vũ Xuân Đăng, 

con trai liệt sỹ Vũ Phi Trừ (cố thuyền trưởng tàu 

Hải quân HQ 604, 
bị Trung Quốc bắn chìm năm 1988 tại Gạc Ma)

Qua tìm hiểu, tôi biết được anh Vũ Quang Tiệp (SN 1974), ghi danh tại quần đảo Trường Sa từ năm 1994 đến 2003. Sau năm 2003, anh trở về đất liền nhận công tác tại Bộ Tư lệnh tăng thiết giáp, rồi Bộ Tư lệnh Thủ đô và trở thành thầy giáo của Trường Trung cấp nghề số 10, Bộ Quốc phòng với vai trò là người hướng dẫn thực hành lái ô tô. Trong những ngày cuối tháng 3, được tin sắp có chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, anh Tiệp lập tức liên hệ để được có tên trong danh sách. “Khi biết đã được đi, tớ đã 2 đêm thức trắng đấy! Mới đó mà đã 13 năm” - anh Tiệp hào hứng. Ngay sau đó, thiếu tá Vũ Quang Tiệp lên kế hoạch cho những món quà gửi tới đồng đội. Đó là 5 tạ bí xanh, 20 kg củ su hào phơi khô, 50 kg xoài, hàng chục tấm thẻ cào điện thoại. Đặc biệt, anh và người bạn đời - người luôn cổ vũ anh đến với những đồng đội nơi hải đảo, đã trắng nhiều đêm muối ngót tạ cà pháo, được chia đều thành 10 chiếc can nhựa gửi đến các chiến sỹ, những đồng đội của anh.

Rồi cơ duyên đã cho tôi được gặp người con trai của liệt sỹ đảo Gạc Ma khi cuối cuộc hành trình, chỉ huy tàu thông báo đoàn chuẩn bị cập cảng Trường Sa. Ngay lúc đó, anh Tiệp đi như chạy đến gặp tôi: “Này, con trai liệt sỹ Vũ Phi Trừ đang ở đảo này đấy”.

Tiếp nối truyền thống những con tàu không số

Ngồi cạnh tôi là một thanh niên khoẻ khoắn, với làn da rám nắng đặc trưng của lính biển. Sau hồi làm quen, người lính Vũ Xuân Đăng (biên chế Lữ đoàn 125 Hải quân) bắt đầu câu chuyện của gia đình với ký ức người cha, niềm tự hào không chỉ của gia đình, miền quê Thanh Hoá, mà cả nước.

Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Phi Trừ được biết đến là một chiến sỹ quả cảm, thường xuyên hỗ trợ đồng đội trong những lúc nan nguy, và đặc biệt, sẵn sàng hy sinh để giữ trọn hiếu trung với Tổ quốc. “Bố tôi sinh năm 1957, ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Theo lời kể, từ nhỏ bố tôi mong muốn được ghi danh vào lực lượng Hải quân Việt Nam. Chính vì thế, đầu năm 1975, bố chính thức nhập ngũ” - người con trai tự hào nói về bố. Theo sử chép, lúc hy sinh, ông là thuyền trưởng tàu HQ604 thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, cấp bậc đại úy. Trước đó, trưởng thành từ chiến sỹ, Vũ Phi Trừ được đào tạo chuyên nghiệp tại trường Sỹ quan chỉ huy kỹ thuật Hải quân (1978 - 1981), rồi về làm thuyền trưởng HQ 604 (1984-1988). Liên quan con tàu huyền thoại HQ604, nhiều tài liệu trích dẫn, khi Vũ Phi Trừ được tiếp quản, đó là con tàu cũ, đã xuống cấp. Vũ Phi Trừ cùng đồng đội chăm lo bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa nên con tàu như được hồi sinh. Bằng chứng cho thấy, HQ604 đã đi hàng chục ngàn hải lý an toàn với nhiệm vụ chi viện, tiếp tế và phục vụ bộ đội quần đảo Trường Sa.

Gặp con trai anh hùng 'Hải chiến Gạc Ma' giữa Trường Sa ảnh 1

Trung úy Vũ Xuân Đăng (trái) và tác giả bên cột mốc chủ quyền.

Trung úy Vũ Xuân Đăng bồi hồi: “Dù khi đó mình mới 5 tuổi, nhưng sau này, được tham khảo các tài liệu lịch sử cũng như lời kể của các cô, các bác, và nhiều đồng đội của bố, mình đã hiểu hơn về thời khắc bố cùng các chiến sỹ ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Nói về trận Hải chiến Gạc Ma năm 1988, trung úy Vũ Xuân Đăng trích dẫn: “Khi ấy, vào ngày 11/3/1988, bố mình nhận lệnh chỉ huy tàu HQ604 chở người, lương thực, thực phẩm tới đảo Gạc Ma. Mặc dù sóng to, biển động tàu vẫn ra khơi đúng kế hoạch. Khi tàu Trung Quốc khiêu khích lao đến cắt ngang hướng đi của HQ 604, đại úy Vũ Phi Trừ bình tĩnh, kiên quyết giữ tốc độ và hướng đi của tàu, buộc tàu Trung Quốc lái vòng về sau. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, do lực lượng phía địch quá áp đảo, Vũ Phi Trừ cùng 63 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Được biết, trước khi hy sinh, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam quấn chặt lá cờ Tổ quốc để máu của họ nhuộm thắm lá cờ của dân tộc.

Gặp con trai anh hùng 'Hải chiến Gạc Ma' giữa Trường Sa ảnh 2

Trung úy Vũ Xuân Đăng, con trai liệt sỹ Vũ Phi Trừ (cố thuyền trưởng tàu Hải quân HQ 604, bị Trung Quốc bắn chìm năm 1988 tại Gạc Ma.

Quay lại câu chuyện về những mất mát của gia đình, trung úy Vũ Xuân Đăng trùng giọng: “Khi hay tin bố mình cùng đồng đội hy sinh, mẹ đã khóc rất nhiều. Mẹ hầu như không ăn, không ngủ nhiều ngày. Hồi đó mình mới 5 tuổi, em trai vừa dứt sữa ít ngày nên cũng không giúp gì được cho mẹ. Trong ký ức mình chỉ nhớ bố qua những lời kể của mẹ, của đồng đội bố và những tấm hình bố chụp chung với đồng đội được gửi về từ biển đảo”. Đăng kể, dù rất đau khổ, nhưng bà Nguyễn Thị Tần (SN 1961, vợ liệt sỹ Vũ Phi Trừ) vẫn gượng dậy. “Mẹ luôn dạy hai anh em mình phải tiếp nối truyền thống gia đình, tiếp nối tấm gương anh dũng hy sinh của bố và các chú, các bác trong hải chiến Gạc Ma. Mẹ bảo, các con hãy tiếp tục sống như bố, như các đồng đội của bố. Hãy tiếp tục cống hiến và sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần, hãy để bố cùng các đồng đội ở nơi biển đảo mãi tự hào về thế hệ của tương lai” - trung úy Đăng nhớ lại lời mẹ.

Yêu bố, thương mẹ, đồng cảm với những khó khăn của lính đảo, Vũ Xuân Đăng quyết tâm theo học. 18 tuổi, người lính trẻ ghi tên mình vào Trường trung cấp kỹ thuật Hải quân và chính thức gia nhập Lữ đoàn 125 (tiền thân là Đoàn 759 - Đoàn tàu không số) vào năm 2003. 

Năm 2010, để gia đình thu về một mối, Đăng đón mẹ từ quê vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Một năm sau, người lính hải quân xây dựng gia đình và sinh hạ một cô con gái xinh xắn vào năm 2011. Tuy nhiên, hiện gia đình đang rất khó khăn về chỗ ở. “Khi đón mẹ về ở cùng, gia đình mình cố gắng thu xếp được nhỉnh 100 triệu đồng để mua căn hộ đang chờ hoàn thiện giấy tờ. Nhưng nay, mình mới hay tin, căn nhà đó đã vào diện quy hoạch, chuẩn bị giải phóng mặt bằng. mình và mẹ cùng gia đình chưa biết sẽ phải dọn đến đâu” - anh Đăng lo lắng. 

MỚI - NÓNG