Gánh nặng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thấy cậu con trai mới lớn buồn hiu, tần ngần không muốn đến lớp ôn tập, củng cố kiến thức, dù chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày thi tuyển sinh vào lớp 10, chị Hiền thở dài vét hết tiền trong người dúi cho con, dù nhà trường đã đánh tiếng sẽ xem xét miễn giảm cho các hoàn cảnh khó khăn. Chị không muốn con bị áp lực, mặc cảm với bạn bè khi sắp bước vào kỳ thi quan trọng.

Vợ chồng chị Hiền từ miền Trung vào TPHCM lập nghiệp 4 năm trước. Chị làm công nhân xí nghiệp may. Anh chạy xe ôm công nghệ. Thu nhập của hai vợ chồng cũng tạm đủ sống. Rồi dịch bệnh bùng lên. Hai vợ chồng thất nghiệp thời gian dài. Nợ nần bủa vây… Đến nay, sau hơn nửa năm thành phố trở về trạng thái “bình thường mới”, chị vẫn chưa trả dứt nợ cho chủ nhà trọ, dù đã chi tiêu hết sức tằn tiện. Số tiền học phí non một triệu đồng còn nợ nhà trường là chi phí ăn uống, sinh hoạt của cả gia đình chị trong một tuần.

Gánh nặng ảnh 1

Tác giả Huy Thịnh

Đối với nhiều gia đình công nhân viên chức lao động nghèo, lo chu toàn cho các con ăn học trong thời buổi “gạo châu, củi quế” hiện nay dường như đã là việc quá sức, nhất là khi “bão giá” tiếp tục ập đến. Thu nhập từ đồng lương không tăng, trong khi giá cả hàng hoá – dịch vụ và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nhiều gia đình không còn cách giải quyết nào khác ngoài biện pháp thắt lưng, buộc bụng, cắt giảm chi tiêu, ăn uống. Thời điểm này, vấn đề tiền trường trở thành mối bận tâm và là nỗi lo thường trực đối với hầu hết các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình nghèo, thu nhập thấp. … Và, trong thời gian tới, việc tăng học phí gấp nhiều lần so với hiện nay chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng quá sức đối với không ít gia đình.

Khoan bàn đến chuyện tiêu cực như đóng “sổ vàng, sổ bạc”, chỉ riêng tiền mua sách giáo khoa, đồng phục học sinh vào đầu năm học cho các con đến trường cũng đủ làm nhiều bậc phụ huynh muốn ngộp thở. Mỗi bộ sách giáo khoa hiện nay có giá lên tới cả triệu đồng, sử dụng một lần trở thành phế thải, cho dù chất lượng giấy có tốt hơn, trình bày đẹp hơn. Nhiều trường còn quy định màu đồng phục thể dục mỗi khối lớp mỗi khác; phụ huynh buộc phải mua vào đầu năm học.

Trong bối cảnh cả nước vừa trải qua đại dịch COVID-19 gây quá nhiều tổn thất, nội lực quốc gia chưa kịp hồi phục, đời sống của hàng vạn gia đình vẫn còn khó khăn thì việc xem xét tăng học phí trong giai đoạn này là chưa phù hợp.

Đã đến lúc ngành Giáo dục và các địa phương cần xem lại một cách nghiêm túc, kịp thời chấn chỉnh những chệch choạc trong quá trình triển khai thực hiện cải cách giáo dục mà trên thực tế đang gây lãng phí, thất thoát rất lớn, đồng thời tác động tiêu cực đến đời sống người dân, đặc biệt là công nhân, lao động nghèo.

MỚI - NÓNG
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
TPO - Nhiều ngày nay, bất kể thời tiết nắng nóng gay gắt, khắp các tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) rộn rã tiếng hô hào của người dân đang cùng nhau đan rọ, bê đá, vá đường nhằm thông tuyến để bà con đi lại thuận tiện.