Vì sao Hải Phòng miễn học phí, các địa phương dự kiến tăng gấp nhiều lần?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong khi Hải Phòng đã có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp thì một số địa phương đã có dự thảo tăng học phí gấp đôi trong năm học 2022-2023 và lộ trình tăng gấp 4-5 lần đến năm 2025-2026. 

Hà Nội vừa ban hành Dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các trường công lập, dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023. Trong đó, đáng chú ý, bậc THCS học sinh vùng 1 tăng gấp đôi trong năm học tới (từ 155.000 năm học này lên 300.000 đồng/ tháng năm học tới). Điều đáng nói, học phí sẽ tăng theo từng năm, đến năm 2025-2026 mỗi học sinh THCS ở vùng 1 sẽ đóng mức 650.000 đồng/em (tăng hơn 4 lần so với năm nay). Học sinh các vùng 2, 3, 4 cũng có lộ trình tăng học phí gấp đôi trong các năm tiếp theo.

Vì sao Hải Phòng miễn học phí, các địa phương dự kiến tăng gấp nhiều lần? ảnh 1

Tại TP Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT cũng lấy ý kiến về việc tăng học phí đối với bậc giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023. Ở bậc THCS, học sinh bậc THCS, GDTX THCS ở các quận sẽ đóng mức học phí từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước; học sinh bậc THCS, GDTX THCS thuộc các huyện tại TP.HCM đóng học phí từ 30.000 đồng/học sinh/tháng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng.

Ở bậc THPT, học sinh thuộc các quận TP.HCM bậc THPT, GDTX THPT sẽ tăng từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng... Với mức tăng dự kiến này, nhiều phụ huynh lo lắng và cho rằng: "Mức tăng quá cao, gây khó khăn cho người dân".

Trong khi đó, từ năm học 2020-2021 Hải Phòng có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT trên toàn TP. Trong đó, học sinh các cấp được ngân sách TP hỗ trợ 100% học phí. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng nói rằng: “Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí của TP giúp giải quyết tốt chủ trương không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không học sinh nào phải bỏ học. Việc hỗ trợ học phí được lấy từ ngân sách địa phương, do đó nguồn chi cho giáo dục tăng lên".

Bộ GD&ĐT đề nghị giữ ổn định học phí

Vấn đề thu học phí được quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ, trong đó địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức phí cụ thể đối với từng cấp học và từng khu vực, đảm bảo không vượt trần.

Vì sao Hải Phòng miễn học phí, các địa phương dự kiến tăng gấp nhiều lần? ảnh 2

Nghị định 81 quy định khung học phí năm học 2022-2023.

Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã giải trình trước Quốc hội, đối với bậc học phổ thông, chính quyền cấp tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức học phí. Trong NĐ 81 có quy định theo vùng miền, có mức trần, mức sàn và có lộ trình. Trong đó, có địa phương đã miễn hoàn toàn mức học phí; một số nơi cũng cân nhắc các mức theo quy định.

Bộ trưởng Sơn cũng thông tin, do ảnh hưởng của dịch bệnh năm 2021, Bộ GD&ĐT nhiều lần trao đổi và có công văn gửi các Bộ, ngành địa phương đề nghị giữ ổn định mức học phí trong các cơ sở giáo dục công lập.

Tháng 8/2021, Bộ tiếp tục có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong tình hình dịch bệnh. Gần đây nhất, ngày 24/5, Bộ có công văn gửi các địa phương, lãnh đạo trường đại học nhắc nhở, lưu ý về việc thực hiện khoản thu trong lĩnh vực GD&ĐT. Bộ cũng lưu ý các địa phương, nhà trường căn cứ tình hình thực tế để có mức thu học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh.

TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng nguyên tắc xây dựng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập là nhằm chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân. Hiện nay, thực tế đời sống của nhiều người dân sau đại dịch COVID-19 vô cùng khó khăn, trong đó không ít lao động mất việc làm, giảm hoặc mất nguồn thu nhập. Họ cần có thời gian để tìm kiếm công việc mới, thậm chí mất rất nhiều thời gian để học hỏi, đào tạo lại mới có việc làm. “Trong khi, giá xăng tăng, giá tiêu dùng tăng, học phí cũng dự kiến tăng, sách giáo khoa tăng. Với thực tế này, kể cả các công nhân viên chức có thu nhập trung bình cũng chật vật, đừng nói đến những người mất việc, thu nhập bấp bênh”, TS Dong nói.

Cũng theo ông Dong, hiện nay Hà Nội dự định tăng học phí gấp đôi trong năm tới và lộ trình tăng cao trong những năm tới người dân khó chấp nhận được vì để một đứa trẻ đến trường học tập ngoài học phí, cha mẹ phải nộp rất nhiều khoản khác từ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quỹ lớp, tiền ăn bán trú, đồng phục…

Cũng theo TS Dong, ở các nước phát triển, người dân giàu có nhưng họ tiến tới miễn học phí cho toàn bộ học sinh các cấp hay Hải Phòng cũng đã miễn học phí cho học sinh. "Chúng ta phổ cập giáo dục nhưng tạo rào cản tài chính ngăn người nghèo đi học. Đáng lẽ ra, một nền giáo dục cởi mở, thông thoáng cần phải tháo gỡ hết rào cản về tài chính, pháp lý, kỹ thuật để học sinh được rộng cửa tới trường, tiếp cận tri thức. Ngược lại, nếu học phí tăng cao, con nhà nghèo không có tiền, sẽ không được tiếp cận các chương trình, hoạt động giáo dục khác”, TS Dong nói.

MỚI - NÓNG