Gần 50% người làm không liên quan đến ngành đào tạo: Bình thường hay bất thường?

Gần 50% người làm không liên quan đến ngành đào tạo: Bình thường hay bất thường?
TPO - Công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường là một hoạt động bắt buộc của các trường đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người học làm việc không liên quan đến ngành đào tạo khá cao, đặc biệt có những ngành lên tới 40 - 50%.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường phải khảo sát SV tốt nghiệp sau 1 năm với mục: đúng ngành đào tạo, liên quan đến ngành đào tạo, không liên quan đến ngành đào tạo, chưa có việc làm, tiếp tục đi học.

Báo cáo của các trường ĐH cho thấy, nhìn chung phần lớn SV tìm được việc nhưng số người làm việc chưa phù hợp ngành đào tạo còn khá nhiều. Kết quả khảo sát tình hình tốt nghiệp của SV năm 2018 (năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các trường chưa thể hoàn thành báo cáo) của trường ĐH Ngoại thương cho thấy, trong số 1.196 cựu SV phản hồi, có 289 người có việc làm đúng ngành đào tạo, chiếm trên 24%; 627 người có việc làm liên quan đến ngành đào tạo, chiếm 52,4%; có 242 người có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo, chiếm 20,2%.

Như vậy, số người có việc làm không đúng ngành đào tạo tương đương với số người có việc làm đúng ngành đào tạo. Ngoài ra, trong hơn 400 SV tốt nghiệp năm 2018 ngành kinh tế của trường có tới 113 người làm việc không liên quan ngành đào tạo (chiếm 28,2%)

Tại trường ĐH Thủy lợi, số liệu khảo sát gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm không đúng ngành đào tạo là 18%; liên quan đến ngành đào tạo là 50,2%; đúng ngành là 19%. Đối với ĐH Thương mại, kết quả khảo sát năm 2018 cũng cho thấy, có 34% người học làm đúng ngành đào tạo và 21,7% làm không đúng ngành đào tạo. Ngành luật của trường ĐH Thương mại có gần 40% SV tốt nghiệp năm 2018 có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo.

Trường ĐH Bạc Liêu công bố kết quả khảo sát tỷ lệ có việc làm của 744 SV tốt nghiệp trong năm 2018. Sau một năm, tỷ lệ người học chưa tìm được việc làm chiếm 13,4%. Đáng chú ý, trong số 554 SV có việc làm thì số người đang làm việc không phù hợp với chuyên ngành đào tạo chiếm tới gần 40%.

Một số ngành của trường ĐH Sài Gòn cũng trong tình trạng tương tự. Theo báo cáo kết quả SV tốt nghiệp năm 2018, trong số 1.566 SV có việc làm chỉ có trên 55% cho rằng đúng chuyên ngành đào tạo; 23,5% liên quan ngành đào tạo và gần 21% không liên quan đến ngành học. Tỷ lệ SV làm việc không đúng ngành đào tạo của ngành công nghệ kỹ thuật môi trường trên 55%, khoa học môi trường có gần 72% người được khảo sát cho biết đang làm việc không liên quan ngành học, khoa học thư viện tỷ lệ này là 60%...

Bình thường hay bất thường?

Đại diện các cơ sở đào tạo có những nhìn nhận thẳng thắn về con số 40 - 50% SV làm việc khác ngành đào tạo.

Trả lời báo chí, PGS.TS Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, cho rằng xét trên tổng thể xã hội thì tỷ lệ 40 - 50% SV ra trường làm việc không đúng ngành đào tạo là có vấn đề. “Việc học ngành này nhưng ra trường làm ngành khác vừa gây lãng phí thời gian, chi phí không chỉ người học mà cả xã hội”, ông Hùng nói.

Theo ông Trung Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên như doanh nghiệp hiện nay tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp mà chỉ yêu cầu người làm được việc. Bên cạnh đó, không ít SV tốt nghiệp nhưng chấp nhận làm việc khác ngành đào tạo để được bám trụ tại các thành phố lớn. Chưa kể, trong số những người làm không đúng ngành nhưng thực chất đang làm các công việc của ngành trong nhóm ngành gần…

“Tuy nhiên, không thể phủ nhận nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nằm ở công tác dự báo nhân lực và quy hoạch mạng lưới ngành nghề đào tạo của chúng ta hiện nay chưa tốt. Phần lớn người làm trái ngành là do ra trường không tìm được việc làm đúng ngành nên phải đi làm công việc khác”, ông Hùng thẳng thắn.

PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng với những sinh viên nếu vừa ra trường mà làm không liên quan đến ngành đào tạo thì thật đáng tiếc, nhất là tốt nghiệp ở những trường đào tạo chuyên môn sâu.

Nhưng nếu những người đã đi làm một thời gian rồi chuyển sang ngành khác làm do họ thấy phù hợp hơn thì lại là chuyện khác. Chính vì vậy, các trường ĐH khi khảo sát cũng cần chú ý đến tiêu chí này để có những định hướng cho người học.

Trong khi đó, theo quan điểm cá nhân của ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Thủy lợi, SV ra trường làm không đúng ngành đào tạo là chuyện bình thường, không nhất thiết phải học gì làm nấy. Vì các trường ĐH đào tạo cho SV nền kiến thức cơ bản để xử lý công việc. “Làm đúng ngành cũng tốt nhưng không làm đúng ngành cũng không sao. Học là một chuyện, nhưng có những người lại làm việc theo sở thích, đam mê lại là chuyện khác”, ông Thạc nói.

Hiện nay, theo tìm hiểu của phóng viên, các trường ĐH cũng đã nhìn nhận được vai trò của việc kết nối với doanh nghiệp để tránh lạc hậu cho SV đồng thời đây cũng là cơ hội hướng nghiệp cho sinh viên trước khi ra trường. PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng doanh nghiệp cần nguồn nhân lực, trong khi SV từ năm thứ 3, thứ 4 đã có thể tham gia một số công việc trong dự án thực tế của doanh nghiệp.

Tuyển dụng những SV này sau khi tốt nghiệp, các doanh nghiệp sẽ không mất thời gian và chi phí đào tạo, bởi các em đã có giai đoạn thực tập, làm việc thực tế tại chính những doanh nghiệp đó. Tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, SV có cơ hội để nhìn nhận lại việc lựa chọn ngành nghề của mình cho tương lai sau khi tốt nghiệp.

MỚI - NÓNG