Gần 29.000 người tự nguyện không nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tới ngày 1/1/2022, hết hạn giải ngân gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tổng số tiền đã giải ngân trên 37.000 tỷ đồng, còn gói hỗ trợ người lao động mất việc làm, thất nghiệp đã giải ngân trên 33.000 tỷ đồng.

Bộ LĐ-TB&XH vừa thông tin về kết quả triển khai các gói an sinh xã hội trong năm 2021 để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, theo Nghị quyết 68 và 116 của Chính phủ.

Với gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (theo Nghị quyết 116), cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chi hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với tổng số tiền hỗ trợ 30.323 tỷ đồng, trong đó có hơn 11,7 triệu người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, hơn 1 triệu người đã dừng tham gia.

Đã giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, với tổng số tiền giảm tạm tính khoảng 7.595 tỷ đồng.

Như vậy, hết thời gian triển khai gói hỗ trợ trên, vẫn còn khoảng 1 triệu người lao động đã dừng đóng Bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ, nhưng người lao động không thực hiện thủ tục đề nghị nhận hỗ trợ. Đặc biệt, có 28.827 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Gần 29.000 người tự nguyện không nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ảnh 1

Có hơn 1 triệu người lao động đã dừng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ quỹ này nhưng không làm thủ tục nhận.

Về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 68), tổng kinh phí hỗ trợ tới nay tại 63 tỉnh thành trên 33.505 tỷ đồng, để hỗ trợ hơn 28,2 triệu lượt đối tượng, đạt 52% dự toán. Trong đó có trên 27,8 triệu lượt người lao động và nhóm đặc thù, hơn 378.300 lượt đơn vị sử dụng lao động nhận được hỗ trợ.

Số tiền chi hỗ trợ và người nhận được hỗ trợ nhiều nhất tại TPHCM với 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.244 tỷ đồng, tiếp đến là Bình Dương (3.118 tỷ đồng), Đồng Nai (2.787 tỷ đồng), Hà Nội (2.063 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.742 tỷ đồng), Bắc Giang (858 tỷ đồng), Long An (737 tỷ đồng), Khánh Hòa (505 tỷ đồng)…

Với gói chính sách về bảo hiểm, gồm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ đào tạo lại lao động, tổng số đã hỗ trợ trên 5.438 tỷ đồng (bằng 32% kế hoạch ban đầu).

Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền trên 25.751 tỷ đồng (vượt 144% dự toán ban đầu), chủ yếu chi cho nhóm lao động tự do và nhóm đặc thù (hộ nghèo, bảo trợ xã hội, hộ chính sách) với gần 15 triệu người, tổng số tiền hơn 19.568 tỷ đồng; tiếp đến là nhóm lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương…

Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt hồ sơ cho 2.485 lượt người sử dụng lao động vay vốn trên 2.325 tỷ đồng để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, đã giải ngân 2.315 tỷ đồng (bằng 31% dự toán).

Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại 32 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em đã phối hợp với 46 tỉnh, thành hỗ trợ 14 tỷ đồng cho 3.321 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19.

MỚI - NÓNG