Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến hết ngày 27/9/2021, 62 địa phương đã chi từ Ngân sách Nhà nước tổng kinh phí 4.360 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 4,8 triệu đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng số tiền thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 ước tính là 26.252 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chi khoảng 2.150 tỷ đồng (bao gồm cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) và 7.456 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, 16.646 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Với nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ Tài chính dự kiến ngân sách Trung ương sẽ chi khoảng 1.520 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của năm 2021.
Về tiến độ thực hiện, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được văn bản đề nghị của 8 địa phương gồm Bến Tre, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bắc Giang, Hậu Giang và Hải Dương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, duy nhất mới có tỉnh Hậu Giang báo cáo theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã bổ sung có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Trung ương cho ngân sách của tỉnh Hậu Giang, với số tiền gần 3,7 tỷ đồng.
Còn lại, các địa phương khác chỉ báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, song đây chưa phải là kinh phí thực hiện có xác nhận của Kho bạc Nhà nước.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo số tiền thực chi hỗ trợ và số đối tượng được hưởng cũng như thời gian thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính có thể xác định số kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương theo quy định.