Game online không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Luật Thuế TTĐB vừa được QH thông qua quy định game online là đối tượng không chịu thuế TTĐB Ảnh: Ngọc Châu.
Luật Thuế TTĐB vừa được QH thông qua quy định game online là đối tượng không chịu thuế TTĐB Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó không quy định trò chơi trực tuyến, nước ngọt có ga là đối tượng chịu thuế TTĐB.

Không tăng quá nhanh thuế thuốc lá

Trước đó, trong thảo luận nhiều ý kiến đại biểu QH đề nghị bổ sung trò chơi trực tuyến (game online) vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), hiện trò chơi trực tuyến chứa nội dung có tác động xấu cho xã hội chủ yếu từ khu vực bên ngoài xâm nhập không kiểm duyệt được. Do vậy, khó thu được thuế TTĐB đối với loại trò chơi này. Nếu áp dụng thuế TTĐB chỉ đánh vào trò chơi điện tử của các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước thì không góp phần hạn chế được các trò chơi trực tuyến xâm nhập từ bên ngoài, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của DN trong nước. Vì vậy, luật sửa đổi chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB.   

Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị bổ sung nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế TTĐB để hạn chế tác hại của việc lạm dụng nước ngọt có ga gây béo phì, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, tim mạch,… nhất là đối với trẻ em. Thế nhưng theo giải trình của UBTVQH, trên thế giới không có nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định tác hại của loại đồ uống này đến sức khỏe con người và chưa có nghiên cứu chính thức tại Việt Nam đề cập tác động của mặt hàng này đến người tiêu dùng. Do vậy, chưa bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Đối với thuốc lá, nhiều ý kiến đề nghị đẩy nhanh lộ trình và tăng thuế suất đối với thuốc lá mức cao hơn so với phương án Chính phủ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, Phùng Quốc Hiển cho biết, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn ngày càng gia tăng, sản lượng thuốc lá lậu hiện nay chiếm khoảng 20% thị phần thuốc lá Việt Nam, giá bán của nhiều loại thuốc lá nhập lậu thấp hơn nhiều so với thuốc lá cùng loại sản xuất trong nước. Do đó, nếu thực hiện lộ trình quá nhanh và tăng thuế suất cao, trong khi các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá chưa hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.   

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, thuế suất TTĐB đối với ô tô hiện ở mức cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng và công nghiệp sản xuất ô tô. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực tế hiện nay, số lượng ô tô ở Việt Nam tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông ở các khu đô thị chưa đáp ứng được. Mặt khác, việc sử dụng ô tô vẫn tập trung vào đối tượng có thu nhập cao trong xã hội, chủ yếu ở khu vực thành thị. Do vậy, đây vẫn là mặt hàng cần thiết phải có sự điều tiết cao nhằm hạn chế tình trạng quá tải giao thông hiện nay, phù hợp với thông lệ các nước ASEAN. Luật Thuế TTĐB sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.

Bỏ khống chế chi phí quảng cáo

Cùng ngày, QH thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Theo đó, sẽ không khống chế chi phí quảng cáo của DN. Trước đó, trong thảo luận, có ý kiến lo ngại việc bỏ tỷ lệ khống chế chi quảng cáo sẽ khó quản lý, DN lợi dụng đẩy chi quảng cáo lên cao để tránh nộp thuế. Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, việc quy định khống chế chi quảng cáo được thực hiện từ năm 1999 và tỷ lệ khống chế được quy định tăng dần qua các năm (từ 7% năm 1999 đến nay là 15% tổng chi phí hợp lý). Trong xu hướng kinh tế ngày càng cạnh tranh, DN cần phải tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường, việc giới hạn chi phí quảng cáo đã hạn chế DN, trong đó có DN có quy mô kinh doanh vừa và nhỏ phát triển thị trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều không khống chế chi phí quảng cáo. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý chặt chẽ trong việc hạch toán chi phí quảng cáo, tránh việc lợi dụng cơ chế thông thoáng để gian lận, trốn thuế; rà soát lại các quy định tại Luật Thương mại, Luật Giá để có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các khoản chi hoa hồng, khuyến mại, nhất là các khoản chi hoa hồng trong lĩnh vực y tế, xuất bản và phát hành sách giáo khoa,...

Không lập cơ quan ngang bộ quản lý DN

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cũng được thông qua chiều 26/11, có ý kiến đề nghị quy định ngay trong luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách tương đương cơ quan ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại DN. Theo UBTVQH, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu theo hướng thành lập một cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các DN có vốn đầu tư của Nhà nước. Do vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình phù hợp, khả thi trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG