Mượn câu thơ trong bài Nhớ rừng của Thế Lữ để làm tít cho bài này, nhưng không nói về hổ mà nói về gấu. Theo Tổ chức Động vật châu Á, hiện số gấu do tư nhân nuôi nhốt ở Việt Nam chỉ còn khoảng 1.200 con, giảm hơn 72,4% so với năm 2005. Như vậy, trong vòng 10 năm, nước ta đã mất hàng ngàn con gấu, đa số chết dần mòn vì đói khát, bệnh tật.
Cụt tay, mờ mắt, tâm thần
Nặng hơn 1 tạ, thân thể trông khỏe mạnh nhưng Hope di chuyển rất khó nhọc: Phải tì cả khuỷu tay xuống đất để tập tễnh đi, đầu luôn chúi về trước. Trong khi những con gấu khác dễ dàng dùng răng và móng tay xé, tước xơ dừa và bửa đôi cái sọ dừa ra để ăn thì Hope bất lực đứng nhìn vì tay đã bị cắt cụt. Một tình nguyện viên của Trung tâm Cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên phải bổ đôi trái dừa quăng vào cho Hope.
“Đây là con gấu có cảnh đời thê lương bậc nhất trong số 35 cá thể gấu đang được cứu hộ tại Trung tâm”, anh Nguyễn Thế Việt, Phó giám đốc Trung tâm nói. Anh kể, khi được đưa vào đây, con gấu ngựa này bị cụt mất toàn bộ bàn tay trái, bàn tay phải cũng bị dập. Không rõ tay gấu vừa bị cái bẫy trong rừng nghiến đứt hay những kẻ săn bắt thú hoang đã chặt lấy đi. Vết thương sưng tấy nhiễm trùng, máu còn rỉ ra. Những chuyên gia cứu hộ quốc tế đã tận tình chữa trị và đặt tên cho gấu là Hope (hy vọng) với mong muốn trả lại sự sống cho con thú đang nguy kịch. Phải mấy tháng sau, Hope mới dần hồi phục.
“Hiện vẫn còn hàng trăm con gấu đang bị nuôi nhốt trong chuồng trại ở các tỉnh thành xung quanh VQG Cát Tiên. Dẫu khó khăn thế nào cũng phải cứu hộ, nuôi dưỡng những con gấu đáng thương này để lưu giữ nguồn gien đề phòng tình huống gấu bị đe dọa tuyệt chủng.
Anh Nguyễn Thế Việt
Cũng vì bị ngược đãi, khai thác mật quá mức mà mắt của Lucy, Sunshine… bị mờ, chân yếu. Khi mới được thả vào khu vườn của Trung tâm, chúng cứ bị cụng đầu vào cây côm cốp; mắt kém, di chuyển chậm nên không thể giành thức ăn và phải có sự trợ giúp của các nhân viên cứu hộ mới có thể trở về chuồng. Hiện thị lực được cải thiện nhiều nhưng chúng có những biểu hiện bị tâm thần: Mắt đờ đẫn, ánh nhìn vô định, đầu gật gù, người lúc lắc, đung đưa qua lại như con lật đật. Có con còn tự cắn, cào cấu vết thương làm cho bệnh tình nặng hơn.
Mặc dù được cứu hộ nhiều năm nhưng Ron và Đồi vẫn bị nhốt riêng. “Ron khoảng 16-18 tuổi, nặng gần tạ rưỡi. Sau hơn chục năm bị một gia đình ở Kon Tum nhốt trong chuồng để lấy mật, chú gấu này bị stress nặng, rất hung dữ. Từng đánh chết một con gấu khác ở Trung tâm rồi móc ruột ăn nên không thể ghép bầy cho Ron được nữa”, anh Việt trĩu giọng.
Bị giam hãm lâu năm trong những chiếc cũi sắt chật hẹp, mất vệ sinh khiến chúng bị ghẻ lở. Việc di chuyển cũng bị hạn chế nên chi khớp cứng đờ, chỉ ngồi bệt một chỗ chứ không bước đi nổi. Ổ bụng viêm nhiễm gây đau đớn kinh niên do liên tục bị chích kim tiêm nhiễm trùng vào hút mật.
Không ít cá thể gấu bị stress đến mờ mắt, tâm thần. Gấu còn bị tháo khớp lấy bàn tay mang đi ngâm rượu, nấu cháo hoặc hầm thuốc bắc để phục vụ những người lắm tiền nhiều của thích chơi trội. “Các lương y đã khẳng định mật và tay gấu không phải là “thần dược” nhưng nhiều đối tượng vẫn lùng mua với hy vọng trở thành “chiến binh dũng mãnh” chốn phòng the. Có lẽ vì thấy chi trước của gấu rất lợi hại và gấu lại thường xuyên liếm tay nên người ta tin rằng đó là nơi tích tụ nguyên khí”, anh Dũng, một cán bộ lâm nghiệp ở Lâm Đồng suy đoán.
Khao khát trở vẽ rừng.
Ở khu bán hoang dã của Trung tâm, nhiều con gấu đang tắm mát, vui đùa, còn trong lồng sắt, một số con gấu mắt trợn trừng man dại, lồng lộn gầm rú đe dọa khi thấy khách lạ. Có con nắm chặt song sắt lắc mạnh như muốn thoát ra ngoài tấn công người. Anh Việt nói, đa số gấu được cứu hộ tại Trung tâm đều trải qua quãng đời bị ngược đãi đến mức tàn phế, mang những vết tích đáng sợ từ con người. Căm hờn và sợ hãi nên chúng dễ bị kích động.
Chết mòn
Năm 2005, Bộ NN&PTNT cho tiến hành tổng kiểm tra trên toàn quốc phát hiện 4.349 cá thể gấu (động vật rừng nhóm IB nguy cấp quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới) bị giam giữ trong các chuồng trại tư nhân, hầu hết có nguồn gốc từ săn bắt, buôn bán trái phép để khai thác mật. Trong khi đó gấu hoang dã trong rừng Việt Nam chỉ có vài trăm con và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Với mục tiêu từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu trái phép vào năm 2020, xóa sổ ngành công nghiệp mật gấu tàn nhẫn và phạm pháp; đồng thời để bảo vệ những con gấu hiếm hoi còn sót lại trong rừng, Bộ NN&PTNT chỉ đạo gắn chíp điện tử và lập hồ sơ quản lý tất cả các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt. Ngoài những con đã được gắn chíp, nếu phát hiện có sự xuất hiện của cá thể gấu mới, chủ trại sẽ bị xử lý nghiêm.
Phó giám đốc Nguyễn Thế Việt cho biết, cùng với việc ngăn chặn sự phát sinh gấu mới ở các chuồng trại cho mục đích khai thác mật một cách tàn nhẫn và phi pháp, một số trung tâm cứu hộ đã được xây dựng và phát triển để tiếp nhận những con gấu được chuyển giao từ các trại này. Thế nhưng việc vận động các chủ trại giao nộp gấu rất khó khăn.
Những năm 2000-2002 là thời hoàng kim của mật gấu với giá cao chót vót: trên dưới 250.000 đồng/cc. Nguồn lợi từ việc khai thác mật quá lớn nên mỗi cá thể gấu có giá hàng trăm triệu đồng. Người ta đua nhau nuôi gấu và không ít trường hợp xây biệt thự, sắm xe hơi nhờ nuôi gấu và bán mật. “Năm 2005-2006, giá mật gấu giảm nhiều nhưng vẫn thu được lợi nhuận từ gấu nên chẳng mấy ai tự nguyện giao nộp?
Đến năm 2007-2008, việc theo dõi, kiểm soát của kiểm lâm vẫn chưa gắt lắm nên một số người nhạy bén đã bán tháo gấu cho người khác để thu hồi một phần vốn liếng”, một chủ trại nói. Có thời điểm dư luận cả nước xôn xao vì hàng chục con gấu ngựa ở làng Phụng Thượng và xóm Mỏ Gang thuộc thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bị bán tháo cho các chủ khách sạn ở Hải Phòng và Quảng Ninh chỉ trong một đêm với giá 15-20 triệu đồng/con, nhiều con khác bị giết thịt, bán giá chỉ 5-6 triệu đồng/con.
Sau thời điểm đó, giá mật gấu rớt dần theo năm tháng, nay còn 15.000-20.000 đồng, thậm chí 12.000 đồng/cc bởi nhiều người cho rằng kiểu nuôi nhốt và khai khác mật vô tội vạ như trên không đảm bảo chất lượng, thiếu an toàn cho người sử dụng và không thật sự chữa được bệnh như quảng cáo. Giá mật gấu rớt thảm hại khiến việc nuôi nhốt gấu hầu như không sinh lợi nữa, thế nhưng chủ trại vẫn không chịu đưa gấu vào các cơ sở cứu hộ. Một số người giữ gấu lại mặc cả đòi hỗ trợ một khoản tiền, nhiều trường hợp giảm khẩu phần ăn, bỏ đói, mặc cho các vết thương hành hạ gây ra cái chết từ từ và đau đớn cho gấu.
Tại Trại nuôi và thuần dưỡng thú hoang dã Tuyền Lâm (Đà Lạt), vào nửa cuối của năm 2012, chỉ trong vòng ba tháng đã có 3 trong số 6 con gấu lăn đùng ra chết trong khi hàng chục năm qua gấu trong Trại chưa từng sinh sản. Hơn thế, 2 năm trước, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện thu giữ hơn 200kg động vật hoang dã bao gồm các loài được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt như cu li, sơn dương, voọc chà vá, rái cá, báo hoa và cả tay gấu tại nhà của chủ trại này.
“Hiện vẫn còn hàng trăm con gấu đang bị nuôi nhốt trong chuồng trại ở các tỉnh thành xung quanh VQG Cát Tiên. Dẫu khó khăn thế nào cũng phải cứu hộ, nuôi dưỡng những con gấu đáng thương này để lưu giữ nguồn gien đề phòng tình huống gấu bị đe dọa tuyệt chủng. Các cơ quan kiểm lâm, cảnh sát môi trường cần giám sát chặt chẽ hơn, kiên quyết giải phóng những con gấu bị ngược đãi.
Cơ quan chuyên trách và những người làm công tác bảo tồn tăng cường tiếp cận động viên người nuôi bàn giao gấu cho Trung tâm”, anh Việt nói và báo tin vui: Tổ chức The Free the bears Fund Inc (Úc) quyết định tài trợ xây dựng Trung tâm cứu hộ mới ở khu vực đồi Tượng của VQG Cát Tiên để thay thế cho cơ sở hiện tại vốn chật hẹp, ẩm thấp và đang xuống cấp.