‘Gã khổng lồ’ bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 14/8, cổ phiếu của "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Country Garden lao dốc, sau khi tập đoàn này lỡ hạn thanh toán trái phiếu và cảnh báo nguy cơ lỗ hàng tỷ đô la. Khó khăn của tập đoàn này càng gây lo ngại về cuộc khủng hoảng bất động sản sâu sắc ở nước này.
‘Gã khổng lồ’ bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ ảnh 1

Logo của tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc Country Garden. (Ảnh: Wikipedia)

Giống như đối thủ cạnh tranh đang gặp khủng hoảng là Evergrande, nếu Country Garden sụp đổ sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc.

Tập đoàn này ước tính khoản nợ của họ lên đến khoảng 1,15 nghìn tỷ nhân dân tệ (159 tỷ USD) vào cuối năm 2022. Cuối tuần qua, Country Garden thông báo sẽ tạm dừng giao dịch trái phiếu trong nước từ đầu tuần này.

“Chúng tôi đang đối mặt với những khó khăn lớn nhất kể từ khi thành lập”, bà Dương Huệ Nghiên, chủ tịch Country Garden cho biết trong một tuyên bố đưa ra ngày 11/8.

Cổ phiếu của tập đoàn giảm tới hơn 18% trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc) trong ngày giao dịch đầu tuần.

Country Garden nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của Forbes, và bà Dương cho đến gần đây vẫn là một trong những phụ nữ giàu nhất châu Á.

Tập đoàn này trước đây vẫn được đánh giá là vững chắc về tài chính, nhưng không thể thực hiện đợt thanh toán trái phiếu tuần trước. Sau thời gian ân hạn 30 ngày, tập đoàn đứng trước nguy cơ vỡ nợ nếu vẫn không thể thanh toán.

Những cải cách về chính sách nhà ở của Trung Quốc vào cuối những năm 1990 đã tạo ra sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản, được thúc đẩy bởi tiêu chuẩn xã hội coi việc sở hữu nhà là điều kiện tiên quyết để kết hôn.

Tuy nhiên, khoản nợ khổng lồ mà những tập đoàn lớn nhất trong ngành tích lũy trong vài năm gần đây khiến Bắc Kinh coi đó là rủi ro không thể chấp nhận được đối với hệ thống tài chính và sức khỏe kinh tế nói chung của đất nước.

Để giảm tình trạng nợ nần của ngành, kể từ năm 2020, chính quyền dần thắt chặt điều kiện tiếp cận tín dụng cho ngành bất động sản, làm cạn kiệt nguồn tài chính cho nhiều công ty đã mắc nợ.

Một làn sóng vỡ nợ theo sau, đáng chú ý là của Evergrande, làm xói mòn niềm tin của những người mua tiềm năng và gây khủng hoảng trong toàn ngành.

Country Garden đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi thị trường đi xuống, vì tập đoàn chủ yếu tập trung vào phân khúc thấp của thị trường, với nhiều dự án ở các thành phố nhỏ, nơi người dân có sức mua yếu hơn.

Theo AP
MỚI - NÓNG