Facebook: "Tôi đang phát sóng trực tiếp"
Không cần là một tổ chức hay đài truyền hình, Facebook đưa chức năng "phát sóng trực tiếp trực tuyến"Facebook Live đến từng người dùng mạng xã hội. Bất kỳ ai cũng có thể "trực tiếp" một sự kiện hay bất kỳ nội dung gì mà họ thích, chia sẻ chúng với bạn bè, người thân hay những người hâm mộ đăng ký theo dõi tài khoản của họ.
Ngày 7/4, Facebook tiếp tục "tu bổ" chức năng này với một vị trí nổi bật trên giao diện ứng dụng di động của mình, thay thế vị trí của biểu tượng Messenger (nhắn tin) trước đó.
Facebook tổ chức hẳn một trang quy tụ những nội dung phát sóng trực tiếp hấp dẫn, bản đồ phát sóng trực tiếp ở 60 quốc gia...
Cập nhật mới, Facebook áp dụng thêm Live cho Nhóm (Groups) hay Sự kiện (Events). Theo đó, người dùng Facebook có thể phát sóng video trực tiếp cho một Nhóm hoặc Sự kiện họ chọn.
Bên cạnh đó là những tính năng tương tác như Bình luận (Comment) và Phản ứng Trực tiếp (Live Reactions) cho người xem thể hiện cảm xúc (Love, Haha, Wow, Sad hoặc Angry) ngay trong thời gian thực, suốt buổi phát sóng video với những mô tả phản ứng xuất hiện trên góc phải phía trên của video.
Một tính năng nhỏ bổ trợ Facebook Live thay thế khâu biên tập là bộ lọc hiệu ứng và vẽ minh họa vào ngay nội dung đang phát sóng trực tiếp.
Một sự kiện liên quan đến Tổng thống Obama được Nhà Trắng trực tiếp qua Facebook Live, tiếp nhận phản hồi ngay lập tức từ người dùng. Ảnh: Facebook.
Như vậy, Facebook vượt qua đài truyền hình truyền thống khi đánh thẳng vào các "điểm khuyết" gồm: khả năng tương tác với nội dung đang phát sóng trực tiếp từ phía người xem, khả năng "trực tiếp" rộng rãi nên Facebook cũng thu về một lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ, ở khắp mọi nơi, ở bất kỳ lúc nào, và với công cụ đơn giản nhất cũng có thể thực hiện: một chiếc smartphone và kết nối Internet.
Với con số khoảng 1,6 tỉ người dùng thường xuyên mỗi tháng tính đến đầu năm 2016, Facebook đang trở thành "đài truyền hình" có lượng "phóng viên" lẫn lượng người xem lớn nhất thế giới. Nhưng cuộc chơi không chỉ có Facebook, hãy chú ý đến Twitter!
Twitter ghi dấu mốc lịch sử với Periscope
Twitter chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng từ khi ra đời đến nay, mạng xã hội này trở thành kênh cập nhật tin tức hàng đầu tại Mỹ và nhiều nước châu Âu. Dòng chảy tin tức trên Twitter tính theo từng giây nếu bạn theo dõi nhiều tài khoản kênh truyền thông.
Ứng dụng Twitter Periscope phát sóng trực tiếp (Live streaming). Ảnh: FastCompany.
Đã nhỉnh hơn báo chí, Twitter "ra tay" tiến tới cạnh tranh với mô hình truyền hình truyền thống sớm hơn cả Facebook. Twitter giới thiệu ứng dụng phát sóng trực tiếp Periscope từ tháng 3-2015 và ngày 26-3 vừa qua, Twitter công bố những cột mốc mà Periscope đạt được sau năm đầu tiên: 200 triệu "đài truyền hình cá nhân" phát sóng trực tiếp qua Periscope, thời lượng video phát sóng trực tiếp (live) được xem mỗi ngày tương đương 110 năm.
Tương tự Facebook Live, người dùng chỉ cần một chiếc smartphone và kết nối Internet băng thông rộng là đủ để "phát sóng trực tiếp".
Đây là lần đầu tiên bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể xem miễn phí nội dung phát sóng giải đấu NFL qua ứng dụng di động
Đến tháng 3/2016, Twitter thu hút 320 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng. Tuy nhiên, thông tin khẳng định vị thế của Twitter trên cuộc đua là hợp đồng phát sóng trực tiếp "Đêm thứ Năm" của giải vô địch quốc gia bóng bầu dục Mỹ (NFL) 2016.
Một chiến thắng lớn không chỉ đối với các đối thủ Facebook, Amazon (mạng Twitch), Yahoo và nhà mạng Verizon mà còn là lời cảnh báo đến các đài truyền hình như NBC và CBS đang giữ hợp đồng tương tự.
Phát sóng miễn phí trên toàn thế giới trọn trận đấu đến người xem qua ứng dụng di động Periscope.
Các trận thi đấu có thể được người xem phát sóng trực tiếp qua di động - Ảnh minh họa: Dacast.com.
Google chậm chạp với YouTube Connect
Thông tin chưa được Google xác thực cho thấy ứng dụng YouTube Connect sẽ sớm ra đời và giúp người dùng dễ dàng phát sóng trực tiếp video lên kênh YouTube của mình (YouTube Channel).
Vừa qua, YouTube có thêm phiên bản YouTube Gaming cho các nội dung liên quan đến game, và ngay ở giao diện chính đã có sẵn một khoảng không gian lớn dành cho nội dung video phát sóng trực tiếp những giải đấu thể thao điện tử (esport).
Cuộc đua không cân sức
Không đài truyền hình nào có thể thuê hàng triệu phóng viên, người quay phim đến khắp hang cùng ngỏ hẻm ở mọi nơi trên thế giới, nhưng Facebook và Twitter thì có.
Tiềm năng thu hút lượng người xem khổng lồ, Facebook và Twitter quyến rũ các nhà quảng cáo chuyển từ mô hình truyền hình truyền thống sang truyền hình trực tuyến. Các mạng xã hội này đã chuẩn bị sẵn những công cụ hỗ trợ tích cực và tài nguyên giá trị cho các nhà quảng cáo thống kê và đo lường từ lượt xem, phản ứng và hành vi người xem với nội dung, bình luận của họ, đồng thời thông tin tài khoản cá nhân hay nhóm người xem.Mỗi người dùng mạng xã hội có thể tự phát triển tài khoản cá nhân của mình thành một kênh truyền hình trực tuyến với nội dung video phát trực tiếp ngay tại thời điểm diễn ra sự kiện đến người xem
Độ xác thực của thông tin, nội dung chương trình được tổ chức và biên tập chuyên nghiệp, cùng độ phủ đến những nơi thiết bị di động chưa chiếm lĩnh so với TV vẫn còn là lợi thế của các đài truyền hình. Cuộc đua mang nhiều diễn biến bất lợi khi Internet dần phủ sóng khắp mọi nơi.