EVN tập trung công khai, minh bạch giá điện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Phong Cầm
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Phong Cầm
TP - Mục tiêu đề ra trong năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là sản xuất kinh doanh điện có lãi. Đồng thời, sẽ công khai toàn bộ chi phí giá điện.

Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, thời gian qua, việc công khai, minh bạch giá điện đã được EVN rất chú trọng triển khai.


Mục tiêu EVN đề ra trong năm 2014 là sẽ huy động và đầu tư 123.654 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD), tăng 17,3% so với năm 2013. Muốn đạt mục tiêu này, điều quan trọng là giá điện phải ở mức hợp lý. Hiện, giá đầu vào sản xuất điện là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh tới việc tăng giá điện. 

Trước đây, than bán cho điện chỉ bằng khoảng 60% -70% giá thành sản xuất, năm 2013 đã bằng với giá thành; năm 2014, giá than bán cho điện sẽ thực hiện theo giá thị trường. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đang kiến nghị tăng giá khí đốt cho sản xuất điện. Do đó, EVN sẽ phải mua điện từ các nhà máy nhiệt điện với giá cao hơn năm 2013. Trong khi đó, theo EVN, giá điện bán ra vẫn chưa theo kịp thị trường.

Theo lãnh đạo EVN, giá điện thấp không chỉ gây khó khăn cho bản thân ngành điện trong việc cân đối tài chính mà còn khiến các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào ngành điện. Thực ra, nỗi lo lớn nhất không phải là tăng giá điện mà người tiêu dùng chỉ quan tâm đến việc giá điện có minh bạch hay không. Theo một số chuyên gia kinh tế, giá thành sản xuất điện hiện nay chưa được tính toán cụ thể và cân đối bù trừ đối với từng nguồn phát điện trên hệ thống. Vì vậy, muốn minh bạch giá điện, trước tiên phải minh bạch được giá thành sản xuất điện, giá truyền tải và phân phối điện.

Hiện, để công khai, minh bạch giá điện, Thủ tướng đã ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) giai đoạn 2013-2015. Theo đó, giá sàn sẽ là 1.437 đồng và giá trần 1.835 đồng/kWh.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã ra Chỉ thị về việc tăng cường công khai, minh bạch giá điện theo cơ chế thị trường, bao gồm giá bán điện và giá truyền tải, báo cáo quyết toán tài chính (có kiểm toán) và kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc trích lập và sử dụng các quỹ.

Một số chuyên gia cho rằng, giá thành sản xuất điện cao trong khi việc điều chỉnh giá bán điện chưa thực sự theo thị trường đã gây không ít khó khăn, tạo áp lực lớn cho EVN trong nhiều năm qua. Vì vậy, việc công khai thông tin về giá điện là việc làm cần thiết và có lợi cho ngành Điện. Bởi lẽ, nếu giá thành sản xuất được công khai minh bạch, sẽ giúp khách hàng sẽ được giám sát một cách rõ ràng các chi phí đầu vào của EVN, từ đó mới có cơ sở cho việc tính toán giá bán điện. Khi đó, nếu giá điện điều chỉnh theo cơ chế thị trường, sẽ tránh được những thắc mắc, hoài nghi không đáng có.

Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, thời gian qua, việc công khai, minh bạch giá điện đã được EVN rất chú trọng triển khai. Đó là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường phát điện cạnh tranh và tiến tới là thị trường điện bán buôn, bán lẻ hình thành và phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Công Thương, EVN đang tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền về giá điện một cách công khai, minh bạch, thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Cục sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị phân công thực hiện các công việc cụ thể liên quan tới nội dung, thời gian công khai, minh bạch đối với giá điện, các yếu tố cấu thành giá điện và việc điều chỉnh giá điện như yêu cầu của Bộ Công Thương. Theo ông Cường, việc công khai giá điện sẽ giúp người dân giám sát đầu ra và đầu vào của EVN. Từ đó, sẽ giúp thị trường điện Việt Nam hướng tới cạnh tranh lành mạnh, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội.

MỚI - NÓNG