Theo tiến độ, ngày 15/1 vừa qua dự án phải hoàn tất cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành các đoàn tàu; tiếp đó ngày 20/1 sẽ kết thúc quá trình đánh giá về kết quả vận hành thử nghiệm toàn hệ thống và chuẩn bị các bước bàn giao cho thành phố Hà Nội, đưa vào vận hành khai thác thương mại.
Tuy nhiên trao đổi với phóng viên ngày 20/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện báo cáo đánh giá về kết quả vận hành thử nghiệm dự án vẫn chưa xong. Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án, Bộ GTVT vẫn đang làm việc với Tổng thầu Trung Quốc và Tư vấn Pháp về cung cấp tài liệu, sau đó mới hoàn tất đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm toàn hệ thống.
Về tiến độ bàn giao, đưa dự án vào khai thác thương mại trong tháng 1/2021 như cam kết trước đó của đại diện Bộ GTVT với lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng: Do dự án chưa hoàn tất thủ tục nên đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa thể bàn giao, khai thác vào những ngày tới.
Trước đó vào chiều 28/10, trong cuộc họp với Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo, đến giữa tháng 11 sẽ có chuyên gia tư vấn của Pháp sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án Cát Linh - Hà Đông, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện. Về tiến độ đưa vào khai thác thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết: cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Dự án ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông khởi công tháng 10/2011 với chiều dài hơn 13km, 12 nhà ga trên cao. Dự án có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc).
Đến nay dự án đã bị chậm tiến độ hơn 3 năm với 8 lần vỡ tiến độ và đội giá thêm 250 triệu USD (từ 552 lên 891 triệu USD). Chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đường sắt); Tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Cty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Trung Quốc).
Để chuẩn bị vận hành dự án, Công ty đường sắt Hà Nội đã tuyển 681 nhân lực để đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật từ gần 2 năm nay. Đến nay dự án đã trải qua 3 lần chạy thử nghiệm những vẫn chưa chạy chính thức (chở khách). Như vậy, đây là lần thứ 9 dự án bị lỡ hẹn.