Tan tác những con đường
Hơn một năm nay, kể từ khi đơn vị thi công xây dựng hệ thống cống thoát nước ngầm, người dân sống trên các tuyến phố như Lò Đúc, Trần Xuân Soạn, Ngô Quyền... (quận Hai Bà Trưng), phải hứng chịu đủ thứ từ bụi bặm bám đầy nhà đến sự ồn ào của máy móc thi công suốt ngày đêm. “Kể từ ngày họ thi công tuyến cống ở đây, ngày mưa thì đất, cát và nước mưa gây ngập cả phố. Những ngày nắng bụi bặm lúc nào cũng bay đầy nhà. Nhà mặt tiền như chúng tôi kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề”, anh Hoàng Minh Công- một người dân ở phố Trần Xuân Soạn nói.
Theo quan sát của phóng viên, phần lớn mặt đường của tuyến phố Trần Xuân Soạn đã bị đào lên để đặt cống nhưng sau khi đặt xong mặt đường chỉ được đơn vị thi công vá víu một cách tạm bợ, với rất nhiều ổ gà, lồi lõm. Tuyến phố Trần Xuân Soạn vốn được rải nhựa phẳng phiu giờ đây phải mặc “áo vá”, nhiều đoạn mặt đường không được thảm lại như trước nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông. Tại tuyến phố Lò Đúc sau nhiều lần phản ánh của người dân, đơn vị thi công đã cho thảm lại mặt đường nhưng hai bên vỉa hè vẫn vá víu tạm bợ, sụt lún, trở thành cái bẫy đối với người đi đường.
Nguy hiểm hơn tại các tuyến phố như Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt; Thái Thịnh II, Hào Nam..., nhiều người đi qua các tuyến phố ngán ngẩm khi thấy mặt đường vừa được thảm ít lâu đã bị đào xới trong đêm rồi vá víu qua loa bằng đất đá. Ở những tuyến phố này do chỉ được phép thi công vào ban đêm nên đơn vị thi công đã dùng các miếng sắt đậy lại tạo ra nhiều hiểm họa cho người tham gia giao thông. “Tôi không hiểu tại sao mặt đường vừa mới được thảm nhựa đẹp tốn bao nhiêu tiền của lại bị đào bới khắp nơi. Điều đáng nói, sau khi đào xới mặt đường lên đơn vị thi công họ chỉ cho công nhân đổ vài xe đất đá lởm chởm rải lên và vá qua loa vừa mất mỹ quan đô thị vừa gây mất an toàn cho người tham gia giao thông”, ông Lê Hồng Tuý ở phố Trần Khát Chân bức xúc.
Cải thiện môi trường hay phá đường?
Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường TP Hà Nội (hay còn gọi dự án thoát nước giai đoạn 2) được triển khai từ năm 2006 bao gồm 14 gói thầu. Trong đó có gói thầu số 9 xây dựng hệ thống đường cống ngầm trên 44 tuyến phố nội thành do Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, hiện các nhà thầu đã thi công xong cống thoát nước ở 39 tuyến phố trên 7 quận nội thành; có 2 tuyến chưa thi công là Lê Duẩn; Minh Khai và 5 tuyến đang được đơn vị thi công gồm: Lò Đúc, Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thái, Khương Thượng, Lương Sử. Trong số này, hiện có 34 tuyến phố được hoàn trả mặt đường đến lớp thảm hạt mịn và 9 tuyến phố được hoàn trả đến lớp thảm hạt trung. Các tuyến này đều được giao cho đơn vị thi công là liên danh Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) - Công ty TNHH MTV và Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng. “Về nguyên tắc các nhà thầu sau khi thi công xong hệ thống cống phải hoàn trả lại mặt đường. Nhưng có nơi nhà thầu hoàn trả chậm hoặc vá víu không đạt nên gây bức xúc cho người dân”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội nói.
Đại diện Ban quản lý thoát nước Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đã tiến hành họp kiểm điểm trách nhiệm đối với đơn vị thi công công trình là liên danh Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC)- Công ty TNHH MTV và Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, để yêu cầu các nhà thầu khắc phục, sửa chữa do thi công chậm hoặc thi công ẩu trên một số tuyến đường.
“Những công trình chưa được nghiệm thu nếu không đạt, chủ đầu tư sẽ kiên quyết đề nghị bóc dỡ, làm lại. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận trừ trường hợp phải thảm lại toàn bộ tuyến phố, chứ việc vá hay thảm từng đoạn sẽ không được như trước”, vị cán bộ Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội phân trần. Có thể thấy mỗi năm Hà Nội dành ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư nâng cấp làm mới những con đường. Thế nhưng cách làm “luộm thuộm” của cơ quan quản lý dẫn đến đường vừa làm xong đã bị đào bới. Lãng phí tiền của từ ngân sách không hề nhỏ, hơn thế, điều này tạo hình ảnh xấu trong quản lý đô thị.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng cấp, thoát nước (Sở Xây dựng) cho biết: “Việc đào đường để thi công cống thoát nước trong khu vực trung tâm thành phố là rất phức tạp. Sở đã có văn bản yêu cầu các nhà thầu và Ban quản lý dự án cần phải có phương án thi công để giảm thiểu ảnh hưởng tới an toàn giao thông và người dân sống ở khu vực đấy. Đối với mặt đường, sau khi thi công xong các nhà thầu phải chịu trách nhiệm để hoàn trả đúng như giấy phép được cấp, nếu không đạt họ phải làm lại”.