Ngược lại ông Thanh yêu cầu “nếu chỉ cần phát hiện nhận chung chi một vài trăm nghìn lập tức bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành, cho về vườn”. Đây chỉ là một trong những chính sách dùng vật chất làm đòn bẩy của Đà Nẵng lâu nay.
Đây thực chất là một loại tiền dưỡng liêm, thời ta ít được áp dụng, nhưng ông cha thì đã áp dụng từ thời Lê sơ.
Năm 1498, vua Lê Hiến Tông đã ban lệnh “cấp tiền quý bổng liêm khiết” cho quan lại liêm chính như tiền thưởng thêm.
Đến thời Nguyễn, tiền dưỡng liêm đặc biệt được chú ý, vua Minh Mạng nói rằng “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch” cho quan lại.
Ngày nay, tại nhiều quốc gia phát triển, đội ngũ công chức nhà nước đều có mức lương khấm khá. Họ được đào tạo bài bản, làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm cao.
Thậm chí, chính phủ có thể thay đổi liên tục, song nền hành chính vẫn hoạt động bình thường. Singapore là nước có chế độ lương bổng cho quan chức cao nhất thế giới và cũng là nước có chỉ số tham nhũng thấp nhất thế giới.
Hiện tại lương của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là 2,2 triệu đôla Singapore/năm (tương đương 1,7 triệu USD), lương các bộ trưởng khoảng 1,1 triệu đôla. Singapore trả lương cao cho quan chức nhằm thu hút nhân tài và chống tham nhũng.
Đà Nẵng, với mục tiêu trở thành “Thành phố đáng sống nhất” đang quyết liệt bứt phá với nhiều chế độ, chính sách mới lạ, thậm chí gây tranh cãi, bị cho là “phạm luật”, là “vị tiền”.
Tuy nhiên mọi việc ở thành phố này vẫn đang diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp, được người dân đồng tình ủng hộ. Thử hỏi nếu không có khoán chui của Bí thư Kim Ngọc lấy đâu ra chính sách “khoán 10”, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu lúa gạo nhất nhì thế giới?
Nếu không có TPHCM “xé rào” những năm 1980, lấy đâu ra đổi mới hôm nay ? Cái mới luôn khác lạ, luôn phải đấu tranh với cái cũ, đó là quy luật của sự phát triển.
Chỉ có những người dũng cảm, nhìn xa trông rộng mới có thể ủng hộ hay áp dụng cái mới, cái tiến bộ cho xã hội.
Theo Hồ Chí Minh, càng có chức, có quyền càng cần phải cần, kiệm, liêm chính. Người viết: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành.
Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao mức sống cho cán bộ, tạo điều kiện để họ dưỡng liêm, vượt qua cám dỗ, tiêu cực là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, với người cán bộ chỉ tiền dưỡng liêm thôi chưa đủ, mà rất cần sự rèn luyện để có đạo đức trong sạch, xứng đáng là “công bộc” của dân.