Theo cáo trạng, ngày 15/3/2008, Vinalines mua ụ nổi 83M từ Nga, sau đó ụ nổi 83M được sửa chữa tại Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin. Bị cáo Trần Hải Sơn (Tổng Giám đốc Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, đơn vị thành viên của Vinalines) được Vinalines giao nhiệm vụ, ủy quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M.
Ngày 12/8/2008 và ngày 20/8/2008, bị cáo Trần Hải Sơn ký hợp đồng với Phạm Bá Giáp (GĐ Cty TNHH Nguyên Ân) về việc sửa chữa một số công việc phần sắt hàn, kẽm chống ăn mòn, phần van, ống, máy… của ụ nổi 83M, tổng giá trị hợp đồng là hơn 8,7 tỷ đồng.
Ông Dương Chí Dũng bị còng tay khi được công an áp giải tới TAND tỉnh Khánh Hòa
Bị cáo Trần Hải Sơn cùng Trần Văn Quang (Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Bá Hùng (Phó trưởng bộ phận Chế tạo vỏ, Nhà máy Hyundai Vinashin) đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công, rồi nhờ Phạm Bá Giáp cho mượn tư cách pháp nhân Công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng để tham ô 3.630.244.485 đồng.
Trong đó, bị cáo Trần Hải Sơn tham ô 2,2 tỉ đồng. Bị cáo Sơn khai, có sử dụng tiền tham ô để mua quà biếu cho ông Dương Chí Dũng vào các dịp lễ, tết.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án
VKSND tỉnh Khánh Hòa truy tố Trần Hải Sơn, Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng và Phạm Bá Giáp về tội “tham ô tài sản. Trong đó, Trần Hải Sơn giữ vai trò chính, Trần Văn Quang là người tổ chức thực hiện, Trần Bá Hùng và Phạm Bá Giáp giữ vai trò giúp sức.
Trước đó, trong vụ án Dương Chí Dũng, bị cáo Trần Hải Sơn đã bị kết án 22 năm tù về tội “tham ô”, 28 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Dương Chí Dũng đang thụ án tử hình về tội “tham ô”, 28 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông này bị triệu tập ra phiên tòa sơ thẩm vụ tham ô khi sửa chữa ụ nổi 83M với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Do cho rằng lời khai trực tiếp tại tòa của ông Dương Chí Dũng có vai trò quan trọng đối với việc xét xử vụ án, nên Hội đồng xét xử sơ thẩm đã phải hai lần tạm hoãn phiên tòa, do ông Dũng vắng mặt. Lần này, ông Dũng đã được trích xuất từ trại giam vào Nha Trang.
Đây là phiên tòa xét xử công khai, các phóng viên dự tòa đã đăng ký tác nghiệp tại tòa theo quy định. Tuy nhiên, khi phóng viên lên chụp ảnh các bị cáo trước vành móng ngựa, lực lượng cảnh sát bảo vệ đã kiên quyết ngăn cản. Trong khi đó, phóng viên truyền hình ANTV lại được đặt máy quay ngay sau bàn Hội đồng xét xử, còn một nữ cán bộ VKSND tỉnh Khánh Hòa kê ghế ngồi khoanh tay sau bàn luật sư (ảnh trên).
Chỉ sau khi phóng viên kiến nghị với Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Phước, phóng viên mới được đứng ở cánh gà chụp ảnh.
Chiều nay, Tòa tiếp tục làm việc với phần thẩm vấn các bị cáo.