Thay vì hỏa táng hay mai táng, nghĩa là cho "chết" hẳn, người ta đưa thi thể người thân vừa qua đời đến trung tâm này xử lý hóa dược, rồi bảo quản lạnh, với hy vọng sau này với sự phát triển của khoa học công nghệ, những thi thể sẽ được hồi sinh!
Trung tâm này thuộc Tổ chức Kéo dài cuộc sống (Alcor Life Extention Foudation), hiện đã có hơn 100 ca được ướp đông chờ hồi sinh như vậy. Các chuyên gia hy vọng các cơ thể sẽ được “hồi sinh” sau 50 năm nữa, dù đến nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào…
Cũng ở Mỹ, người ta sắp xây dựng một “thành phố không người” đầu tiên trên thế giới. Dù đầy đủ tiện nghi hiện đại, nhưng sẽ không có cư dân nào ở đây. Nơi ấy chỉ dành để thử nghiệm, đánh giá, phát triển những phát minh, công nghệ mới về giao thông, xây dựng, nước, năng lượng, dịch vụ, an ninh… nhằm tối ưu hóa việc phục vụ con người tương lai.
Con người được đặt ra ngoài, để không trở thành vật thử nghiệm, buộc sống chung với lũ, với triều cường, tai nạn giao thông, kẹt xe, cần cẩu sập, thép bay, đào bới vỉa hè… như ở ta. Sự trì hoãn cái chết (dù có thể vô vọng) và “chuẩn bị được sống” cho con người tại nhiều nơi trên hành tinh này thật kỳ công.
Tử hình là tước bỏ quyền được sống tiếp của một người phạm trọng tội theo luật định. Theo Kinh thánh, chỉ có Chúa Trời, người tạo ra sự sống con người, mới có quyền rút lại sự sống của họ. Tuy nhiên, hình phạt tử hình vẫn có mặt tại nhiều quốc gia với khoảng 60% dân số thế giới. Đây có lẽ vẫn được xem là biện pháp ngăn ngừa tội ác một cách hiệu quả nhất.
Sống hay không được phép sống, thực chất quyền năng không thuộc về quan tòa. Mà chính bởi tại mỗi con người trong xã hội, trong mối tương quan phức hợp, nhân-quả song hành. Phải đền tội bằng mạng sống vì tội tác tày trời do mình gây ra là một kết cục đáng sợ.
Nhưng đến khi nào, con người không còn buộc phải điều chỉnh hành vi của nhau bằng cách đem đến nỗi “sợ” khủng khiếp như vậy? Và còn những thứ tội ác “hiền lành” hơn, như việc một tiệm bánh mỳ con con ở Quảng Bình cũng khiến hơn 200 người ăn phải đi cấp cứu.
Hay một trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh nọ vừa bị phát hiện ăn chặn ngót 800 triệu đồng tiền ăn của những người tâm thần, người già neo đơn...
Án mạng chết ngay, hay hàng triệu cái chết chậm bởi bị đầu độc hóa chất trong đồ ăn thức uống mỗi ngày, tội ác nào lớn hơn? Ai, cơ chế nào, nỗi sợ nào đủ sức răn đe thứ tội phạm này để cứu vớt chính sinh mạng chúng ta?
Do lối sống xô bồ, ô hợp chạy theo lợi lộc, bạc tiền, quyền chức đang đạp lên sinh mạng con người, hay chúng ta không còn xứng đáng để được cứu rỗi?!