Đề nghị không tử hình tội phạm trên 75 tuổi

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định “không áp dụng hình phạt tử hình” tại Bộ luật hình sự sửa đổi
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định “không áp dụng hình phạt tử hình” tại Bộ luật hình sự sửa đổi
TPO - Thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau từ dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, nhiều ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc không áp dụng án tử hình đối với người phạm tội từ 75 tuổi trở lên.

Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9 liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh, Ủy ban Tư pháp cho biết, hiện vẫn còn 3 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo BLHS trình Quốc hội.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; cướp tài sản; đầu hàng địch; chống mệnh lệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.

Loại ý kiến thứ ba, ngoài các tội như đề xuất của Chính phủ, cần nghiên cứu bỏ hình phạt tử hình ở cả các tội khác như: tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, vì thực tế việc xét xử các tội này rất ít.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban đều tán thành cơ bản với loại ý kiến thứ nhất, tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình ở Tội vận chuyển trái phép chất ma túy. 

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh vì tính chất đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm này và bảo đảm tương quan với các tội khác đang còn giữ lại hình phạt tử hình.

Về không áp dụng hình phạt tử hình (khoản 2 Điều 39 dự thảo) cũng có 3 luồng ý kiến khác nhau: đề nghị không loại trừ áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên; loại ý kiến thứ hai, tán thành quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên; ý kiến thứ ba, đề nghị không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội thuộc các trường hợp: là nữ giới; người từ 75 hoặc 80 tuổi trở lên; là đối tượng chính sách; người mắc bệnh AIDS, ung thư giai đoạn cuối; người sau khi phạm tội đã mất hoàn toàn năng lực hành vi.

Về việc này, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Tư pháp tán thành với ý kiến thứ nhất vì cho rằng, với diễn biến tình hình phạm tội nhiều năm qua, nếu quy định loại trừ áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên sẽ khó bảo đảm yêu cầu phòng ngừa và xử lý tội phạm.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, nên coi tình tiết “tuổi cao” cũng tương tự như các tình tiết được hưởng sự khoan hồng khác (phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng). Vì vậy, đề nghị độ tuổi để miễn áp dụng hình phạt tử hình là "người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử".

Tại phiên thảo luận sáng 14/9 về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi, nhiều ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với chủ trương, không tử hình đối với tội vận chuyển ma túy, tội tham ô và không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên. Tuy nhiên các mức án như phạt tù có thời hạn, chung thân vẫn được áp dụng đối với những người phạm tội từ 75 tuổi trở lên.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.