Nhân lên sự sống
Anh Vũ Minh Lý, Phó trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia được xem là cán bộ Đoàn tiên phong làm đơn tình nguyện hiến mô, tạng của mình sau khi qua đời. Anh Lý cho rằng đó là việc làm rất bình thường để mang lại hạnh phúc cho người khác và cho chính mình. Là người trực tiếp tham gia nhiều chương trình tình nguyện, đặc biệt là các hoạt động hiến máu nhân đạo, anh nhận thấy rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không có thuốc nào chữa được nếu không được ghép mô, tạng. Tuy nhiên, số bệnh nhân được nhận ghép mô, tạng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tết Nguyên đán vừa rồi, anh đến nghĩa trang Văn Điển thắp hương cho người thân. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, anh chứng kiến có 4 đám tang dùng hình thức hỏa táng. “Phút giây đó, tôi suy nghĩ rất nhiều về sự sống và cái chết. Con người ta khi mất đi chỉ là một nắm tro tàn. Nếu để lại một phần cơ thể mình giúp hồi sinh những sự sống khác thì ý nghĩa biết bao”, anh Lý tâm sự. Với suy nghĩ đó, anh tìm hiểu về việc hiến mô, tạng. Một thời gian sau anh làm đơn. “Khi đưa lá đơn này cho bố mẹ và vợ xem, ban đầu mọi người rất ngạc nhiên. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích, người thân dần hiểu và đồng cảm”, anh nói.
Anh Lý đăng lá đơn của mình lên facebook cá nhân và nhận được rất nhiều sự chia sẻ, hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ.
Lan tỏa
Chị Vũ Thị Phương Anh, sinh năm 1983, trưởng nhóm thiện nguyện Minh Tâm, Trưởng phòng một Cty chứng khoán ở Hà Nội là một trong những người đầu tiên làm đơn đăng ký nhờ anh Lý chuyển đến Trung tâm hiến mô, tạng Quốc gia. Chị cho biết, chỉ trong vòng 5 năm, 4 người thân của chị qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Đau đớn không kể sao cho xiết. “Những lúc đau nhất, hình ảnh nhân vật trong bộ phim năm nào tôi xem lại ùa về. Tôi ước mình làm được việc ý nghĩa như nhân vật đó là hiến mô, tạng để có thể cứu lấy những người không may mắn như 4 người thân của tôi”, chị Phương Anh nói.
Một lần vô tình đọc được lá đơn tình nguyện hiến mô, tạng của anh Vũ Minh Lý trên facebook, không cần suy nghĩ nhiều, chị làm đơn đăng ký. “Hiến mô, tạng sau khi qua đời còn khá xa lạ. Tôi lại nghĩ khác, nếu chết mà một phần cơ thể của mình được để lại giúp ích cho đời thì đó là một điều hạnh phúc lớn lao, nên làm”, chị Phương Anh tâm sự. Chị tích cực kêu gọi thêm bạn bè cùng tham gia. Hiện tại, chị đã kêu gọi được 8 bạn trẻ làm đơn tình nguyện hiến mô, tạng.
Phát triển thành phong trào
Anh Vũ Minh Lý cho biết, anh đang chuẩn bị thành lập và ra mắt CLB thanh niên tình nguyện Sẻ chia sự sống trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia với thành viên nòng cốt ban đầu là gần 30 bạn trẻ, những người đã tiên phong đăng ký hiến mô, tạng. CLB sẽ xây dựng các video, clip, vẽ tranh cổ động và các hoạt động tuyên truyền khác để tác động đến nhận thức giới trẻ và người dân, dần dần đưa hiến mô, tạng trở thành một phong trào rộng lớn.
Ngày 19/3 vừa qua, anh Lý tổ chức một buổi chia sẻ với chủ đề “Hiến tặng mô tạng - Trao tặng sự sống” tại Đại học Điện lực với sự tham gia của hơn 300 sinh viên. Tại buổi giao lưu này, anh Đặng Thành Chung, Bí thư Đoàn trường Đại học Điện lực đã tiên phong làm đơn hiến tặng mô, tạng và kêu gọi sinh viên trong toàn trường cùng anh thực hiện công việc tình nguyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.
Theo Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận. Chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người được chỉ định ghép gan. Cả nước có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.