Bài học ghép từ những lần gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu:

Đừng vì bất cứ áp lực nào mà uốn cong ngòi bút

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu với thanh niên
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu với thanh niên
TP - “Cơ chế quản lý, giám sát và công tác cán bộ của chúng ta còn chưa hoàn thiện. Nhưng đó chỉ là khách quan. Phần chủ quan ở ngay trong mỗi cán bộ, mỗi công bộc của dân, trước hết là những cơ quan bảo vệ pháp luật...” – Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chia sẻ với Tiền Phong như vậy.

Thưa ông, ngành nội chính có những đặc thù... Giám sát việc thực hiện và tuân thủ pháp luật có lẽ chỉ trông chờ vào quyền hạn nghiệp vụ của đại biểu Quốc hội?

Không phải chỉ có thế... Hoạt động của tổ chức Đảng rồi hệ thống thanh tra ở những cơ quan ấy hiệu quả ra sao cộng với việc kiểm sát thanh tra giữa những cơ quan ấy theo qui định của luật pháp nữa chứ... Chúng ta nói tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng phải có thiết chế, có công cụ để thực hiện sự bình đẳng ấy.

Thêm nữa, điều này mới là quan trọng, đã là người của cơ quan nội chính, nếu không có cái tâm trong sáng thì những kẻ sai phạm trong lực lượng bảo vệ pháp luật sẽ sáng tác ra nhiều "kịch bản'', đẻ ra biết bao thủ đoạn để che giấu sai phạm của mình. Nghiệp vụ, chuyên môn không thể là cái "ngưỡng'' cái mộc để che chắn. Có lẽ, đối với các cơ quan tư pháp chúng ta cần có thêm một cơ chế với những "công cụ, thiết bị'' giám sát khoa học và gắt gao hơn ?

Vậy thưa ông, có thể làm gì để hạn chế những vụ án tương tự như vụ Năm Cam?

Qua vụ án này, các cơ quan có cán bộ dính líu nhiều cần phải nghiêm khắc tự rút ra bài học kinh nghiệm xương máu; cao hơn thế cần phải mở một cuộc chỉnh huấn sâu rộng, toàn diện tới tất cả các cán bộ trong ngành. Còn nếu không, cứ sau mỗi vụ án chúng ta lại nói rằng đã nghiêm khắc xử lý, nghiêm khắc kiểm điểm và tụng mãi những cụm từ chung chung như "mặc dù thế này thế khác..., nhưng cơ bản cán bộ của chúng ta là tốt, nội bộ của chúng ta đoàn kết nhất trí".

Cứ sau mỗi vụ án cho dù chúng ta có loại bỏ được một hai chục, hay cả trăm cán bộ như vụ Năm Cam thì trong tương lai số cán bộ vẫn có thể mất mát nhiều hơn mà lỗi lầm thì cứ lặp đi lặp lại. Nguy hại hơn, bộ máy của chúng ta sẽ bị phá vỡ và nguy cơ bọn xấu lũng đoạn nhà nước là không thể tránh khỏi.

Ông có nhận xét gì về hoạt động của báo chí trong thời gian qua?

Bao giờ tôi cũng rất trân trọng báo chí. Không có báo chí thì có những oan sai của dân ai nói lên đây?  Oan khuất của cô Nga ở Sơn La là một ví dụ. Nhờ có báo chí mà tôi biết được. Tôi bất đắc dĩ trong một hội nghị của ngành công an và phải nhắc nhở và sau đó dư luận báo chí vào cuộc nên cô ấy mới được bồi thường về danh dự và vật chất.

Công cụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân trao vào tay các đồng chí lợi hại như vậy đó, nhưng... ( nói tới đây, Cựu Tổng Bí thư vào buồng trong và quay ra với tờ Nhà báo và Công luận đã ngả màu vàng... Chúng tôi liếc qua và nhận ra đó là số báo có đăng bài liên quan đến Năm Cam mà nhiều báo đã đề cập) không thể chỉ nghe theo một chiều, có đúng không? Các đồng chí khi nhận được khiếu nại tố cáo của công dân thì việc đầu tiên cần điều tra, xác minh cẩn trọng rồi mới nói lên sự thật, mới bảo vệ được chính kiến của mình tức là sự thật ấy... Hãy đừng vì bất kỳ một áp lực nào mà uốn cong ngòi bút, bảo vệ cho những điều không phải oan sai dẫn tới việc vô tình hay hữu ý mà bao che cho bọn tội phạm.

Đừng vì bất cứ áp lực nào mà uốn cong ngòi bút ảnh 1 Nguyên TBT Lê Khả Phiêu.

Còn cụ thể trong vụ án Năm Cam này?

Quyết liệt đấy, nhưng cũng cần bình tĩnh khách quan và cả khoan dung nữa... Đối với bọn tội phạm cần vạch trần những thủ đoạn của chúng, gây dư luận lành mạnh của quần chúng trên công luận tạo điều kiện  giúp đỡ các cơ quan bảo vệ pháp luật để trừng trị chúng. Chúng ta phải đứng về phía nhân dân về dư luận lành mạnh mà tỏ thái độ.

Thưa, ông có cảm tưởng gì trong vụ án Năm Cam một số đồng chí, đồng đội của chúng ta đã “dính đạn”?

Khách quan, công bằng, đúng mực... Chức năng và lợi thế ấy của báo chí là một công cụ hữu hiệu để giám sát bộ máy công quyền. Nhưng đánh địch cũng nhớ phải bảo vệ được lực lượng... Cần nhớ, mất mát hy sinh vì chính nghĩa khác lắm với những kẻ làm tù binh và gục ngã vì tiền vì gái của bọn tội phạm! Về những việc tiêu cực trong báo giới, các cơ quan có trách nhiệm sẽ khẩn trương kịp thời xem xét... Tôi biết việc này đã được đặt lên bàn làm việc của những cơ quan lãnh đạo cao nhất...Dân ta rất công bằng sòng phẳng và vị tha... Chẳng phải mấy con sâu, hay sự "dính đạn'' này khác mà công luận hoang mang chia lòng chia trí...

"Nếu mình tỉnh táo công bằng, biết minh chứng bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải, biết nghe anh em đồng chí thì  dù ai đó có dị nghị mình vẫn giữ được mình, cơ quan pháp luật và đồng đội vẫn bảo vệ được mình", Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Dạ thưa, nhà báo cũng là con người bằng xương bằng thịt với sự yếu đuối và những thói hư tật xấu của nó mà sự tiêu cực nhiễu nhương thì mênh mông, chúng có trăm phương nghìn cách... 

Vì muốn phanh phui cái ác, tìm hiểu cặn kẽ những nỗi oan sai các bạn phải đi vào gan ruột của vấn đề. Thế thì càng phải thận trọng, càng phải trong sáng trước là để giữ mình. Chứ nếu chỉ nhận được một lá đơn, tin vào một lời kể lâm ly hay nhận đơn cũng là để nhận tiền để bênh vực cho kẻ xấu thì chính là đã bắt đầu sự sa ngã rồi đấy. Sự tỉnh táo phải luôn được xuyên suốt trong quá trình giải quyết vấn đề. Đặc thù khắt khe của nghề nghiệp là chỗ ấy! Các bạn hoà lẫn nhưng không được hoà tan. Các cụ có câu người năm đấng, của ba loài...

Cá nhân mình đây, khi đương chức cũng như bây giờ có rất nhiều người xin gặp, hoặc mình gặp nhiều người. Người tốt gặp đã đành, kẻ xấu đâu có sợ mình? Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp gặp tôi, thời điểm đó họ tốt sau này nếu họ trở thành kẻ phạm pháp thì sao? Hễ cứ gặp tôi, chụp ảnh với tôi là có ai đó có thể vội vã suy diễn tôi bao che à?

Trở lại công việc của các bạn nếu mình tỉnh táo công bằng, biết minh chứng bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải, biết nghe anh em đồng chí thì  dù ai đó có dị nghị thì mình vẫn giữ được mình, cơ quan pháp luật và đồng đội vẫn bảo vệ được mình.

Nhưng "đụng'' đến một vài cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất lại người cùng "làng báo'' với nhau thì anh em chúng tôi cũng  ngại lắm...

Không có mảnh đất cấm, lãnh địa riêng cho bất cứ người nào, nghề nào. Người trong báo giới sai phạm phải xử lý nghiêm. Nhưng dư luận lành mạnh trên công luận thì cần được khuyến khích.

Xin cảm ơn ông đã giành thời gian cho cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở này.

MỚI - NÓNG