“Chỉ số hàng không” đôi khi vẫn được một số chuyên gia đưa ra để góp phần đánh giá sự tăng trưởng của nền kinh tế. Quả thực, kinh tế sôi động phản ánh phần nào nhu cầu đi lại qua đường hàng không, chưa kể lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua loại hình này. Trên thế giới, từng có thời điểm, nhiều sân bay “không ngủ” bởi quá bận rộn với các “slot” (thời điểm cất hạ cánh). Tuy vậy, dịch bệnh rồi đến chiến tranh, suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến nhiều phi trường hết “ngủ vùi” rồi đến “lơ mơ tỉnh giấc”. Ba tháng đầu năm, tăng trưởng hàng không đến từ việc phục hồi lượng khách đi lại nội địa, nhưng (phần tăng trưởng) chủ yếu của ngành này đến từ các mạng bay quốc tế. Chỉ số nghe có vẻ cao, nhưng với hàng không, các loại chi phí rất lớn, nhất là giữa bối cảnh giá nhiên liệu cao, sức ép từ tỷ giá…
Trên đường bay nội địa, trục bay Bắc-Nam có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng do lợi thế đông hành khách hai chiều. Thế nhưng, lợi nhuận thực sự, vẫn đến từ các đường bay quốc tế (được phụ thu nhiên liệu và không bị khống chế giá). Trước dịch, nhiều hãng hàng không đã thuê hoặc mua không ít tàu bay hoạt động tầm xa (để bay quốc tế), nhưng phải phủ bụi hoặc trả lại (bởi loại tàu bay này không thể bay tầm gần). Một số hãng cố gánh chi phí chờ hết dịch. Chỉ đến khi, các nước bỏ các quy định kiểm soát dịch bệnh và mở cửa du lịch (thậm chí miễn thị thực), hãng bay mới có thể tận dụng nguồn lực. Với hàng không, bay quốc tế đóng góp 40% sản lượng khách nhưng doanh thu chiếm tới 60%. Có hãng hàng không chỉ riêng một thị trường truyền thống như Trung Quốc đã chiếm 30% doanh thu. Bay nội địa, một năm có vài lần cao điểm đạt doanh thu cao, nhưng áp lực cung ứng cũng không nhỏ khiến ảnh hưởng tới dịch vụ. Chưa kể sẽ bị người dân soi về giá vé (quá cao). Vậy bài toán cho tăng trưởng hàng không Việt chính là phục hồi các đường bay quốc tế cùng lượng khách. Nhiều chuyên gia kinh tế thận trọng đánh giá, phải tới cuối năm 2024, hàng không mới phục hồi và tăng trưởng tốt.
Nhìn tổng thể hiện nay, có thấy kết nối giữa hàng không và du lịch chưa nhịp nhàng, thiếu “bàn tay nhạc trưởng”. Đã có lúc giá vé tới một số địa phương quá cao khiến người dân thảng thốt. Hàng không và du lịch nhiều thời điểm chưa thể hiện bằng mối quan hệ hữu cơ. Nếu không có liên kết, cuối cùng, tất cả sẽ bị thiệt. Trong khi, chúng ta còn loay hoay kết nối, các hãng hàng không nước ngoài đã nhanh chóng xoay chuyển, mở ra nhiều sản phẩm du lịch với sự hỗ trợ tối đa của bộ, ngành liên quan.
Hình ảnh đẹp mới nhất liên quan hàng không, có lẽ là Thủ tướng Luxembourg công du Việt Nam bằng máy bay thương mại của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.