Đừng để người bị oan chờ đợi lâu

Vụ án Huỳnh Văn Nén đang có nhiều ý kiến đánh giá là oan sai. Trong ảnh: Ông Huỳnh Văn Nén đang được tại ngoại để chữa bệnh sau hơn 17 năm bị giam. Ảnh: Đình Quân.
Vụ án Huỳnh Văn Nén đang có nhiều ý kiến đánh giá là oan sai. Trong ảnh: Ông Huỳnh Văn Nén đang được tại ngoại để chữa bệnh sau hơn 17 năm bị giam. Ảnh: Đình Quân.
TP - Các đại biểu Quốc hội đề nghị, nếu không đủ chứng cứ chứng minh ông Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra được thủ phạm hay không theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Việc ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) ngồi tù 17,5 năm là một trong những dẫn chứng được các đại biểu (ĐB)- nêu ra trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội về báo cáo của các cơ quan tư pháp (ngày 28/10). Các ĐB đề nghị, nếu không đủ chứng cứ chứng minh ông Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra được thủ phạm hay không theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội. 

Đừng bắt người ta chờ nữa

“Đến thời điểm được tạm tha, ông Huỳnh Văn Nén đã ngồi tù được hơn 17 năm. Trong thời gian đó, mẹ ruột ông Nén đã qua đời mà không có mặt con. Hiện cha ruột ông Nén cũng đã 89 tuổi. Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta không thể bắt người ta chờ lâu hơn. Bồi thường cũng vậy không thể vì quy trình của nhà nước mà bắt dân bị oan sai chờ”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, rất quan tâm tới hậu giám sát oan sai của QH về vụ Huỳnh Văn Nén. “Chúng tôi hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao đã tiếp thu ý kiến của QH, chỉ đạo kiểm tra theo thẩm quyền nên ông Huỳnh Văn Nén đã được tha sau 17 năm bị giam. 

Với những dấu hiệu oan, sai khá rõ mà Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ ra, chúng tôi đề nghị Cơ quan điều tra, VKS tỉnh Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra. Nếu không đủ chứng cứ chứng minh ông Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra được thủ phạm hay không theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội”, bà Nga đề nghị.

Đừng để người bị oan chờ đợi lâu ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tỉnh Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra, nếu không đủ chứng cứ chứng minh ông Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và bồi thường.

Tại Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày trước QH cũng nhấn mạnh, Nghị quyết của QH yêu cầu Chánh án TAND Tối cao đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các đơn khiếu nại, kêu oan, nhất là đơn kêu oan của người bị kết án có mức chung thân, tử hình. Qua giám sát Ủy ban Thường vụ QH đã nêu ra một số vụ án trong đó có người bị kết án tử hình có đơn kêu oan gay gắt, kéo dài. Tuy nhiên, đến nay TAND Tối cao chưa báo cáo cụ thể kết quả giải quyết trường hợp này.

Ủy ban Tư pháp  đề nghị, Tòa án, Viện kiểm sát làm tốt công tác đào tạo, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh những cán bộ có vi phạm pháp luật, tiêu cực. ĐB Trương Trọng Nghĩa thì đề nghị, sau khi có Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, đề nghị cải cách toàn diện lĩnh vực tư pháp từ khâu đào tạo, cho đến bộ máy. Khi đã phát hiện dấu hiệu oan sai thì việc điều tra, xét xử lại cần giao cho cơ quan khác vốn không chịu ảnh hưởng, hoặc bị tác động của cơ quan cũ. Đặc biệt phải đẩy nhanh tiến độ kết luận các vụ án có dấu hiệu oan sai...

Đừng để người bị oan chờ đợi lâu ảnh 2

Sau chuyện ông Chấn được nhận tiền bồi thường, cơ quan chức năng sẽ xem xét đến trách nhiệm cá nhân của các cán bộ gây oan sai. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Không thấy cán bộ nào chịu bồi hoàn tiền cho nhà nước


Trước đó, báo cáo QH, các cơ quan tư pháp cho rằng, trong năm 2015 các cơ quan này đã nỗ lực, đạt được nhiều cố gắng. Việc xem xét, giải quyết các vụ án oan, xử lý các hành vi vi phạm cũng được coi trọng. Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, trong thời gian qua ngành Công an đã chú trọng nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong điều tra. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan điều tra để xảy ra oan sai hoặc bức cung nhục hình.

“Năm 2015, lực lượng công an đã xử lý 26 điều tra viên vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, trong đó có 2 điều tra viên bị truy tố, xử lý kỷ luật 2 thủ trưởng cơ quan điều tra để xảy ra bức cung 
nhục hình”          

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang 

Đánh giá về báo cáo của các cơ quan tư pháp, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, vẫn còn tình trạng tòa sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, sau đó tòa phúc thẩm tuyên không phạm tội. Ngành Kiểm sát còn đình chỉ điều tra trên 2.000 vụ, với hơn 2.100 bị can, trong đó 33 bị can không phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm. Như vậy, chỉ tính hai ngành Tòa án, VKS dù đã có nhiều nỗ lực, đề ra nhiều giải pháp nhưng vẫn làm oan nhiều trường hợp. 

Ông Nghĩa cũng tỏ ra băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến số lượng các vụ oan sai do cơ quan điều tra gây ra là bao nhiêu? Bên cạnh đó, các báo cáo đều  không đề cập việc xử lý kiểm sát viên và thẩm phán gây oan sai. 

“Đề nghị Chánh án và Viện trưởng báo cáo cho QH rõ vấn đề trên để QH, nhân dân biết và giám sát. Có như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng cán bộ làm sai, gây oan nhưng không phải bồi hoàn. “Đây là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đã dành một chương quy định về trách nhiệm hoàn trả, nhưng  6 năm qua, chưa thấy cơ quan nào gây oan sai thi hành nghiêm túc quy định này, dù nhiều cử tri, ĐB QH đã có ý kiến. Năm nay giải quyết 42/94 vụ bồi thường, hoàn toàn không nói gì đến việc bồi hoàn của người thi hành công vụ. Luật quy định cụ thể nhưng chỉ tồn tại trên giấy”, ông Nghĩa bức xúc. 

MỚI - NÓNG