Đức sẽ đưa tàu chiến đến Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Một tàu khu trục của Đức. (Ảnh: Naval News)
Một tàu khu trục của Đức. (Ảnh: Naval News)
TPO - Một tàu khu trục của Đức sẽ lên đường đến châu Á trong tháng 8 năm nay. Và trên hành trình trở về, nó sẽ trở thành tàu chiến Đức đầu tiên đi qua Biển Đông kể từ năm 2002, một quan chức cấp cao Đức cho biết ngày 3/3.

Con tàu sẽ không đi vào vùng mà giới chức Đức gọi là “12 hải lý”, các quan chức ngoại giao và quốc phòng Đức nói về những khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Phản ứng trước thông tin này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm qua nói rằng các nước không nên dùng quyền tự do hàng hải và tự do bay “làm cái cớ để gây đe doạ cho chủ quyền và an ninh của các nước ven biển”. 

Trung Quốc có yêu sách phi lý trên hầu khắp Biển Đông và đã thiết lập một mạng lưới tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo. 

Mỹ thường xuyên triển khai các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông bằng cách đưa tàu chiến tiến gần những cấu trúc tranh chấp, để khẳng định quyền được tiếp cận vùng biển quốc tế. 

Washington cáo buộc Bắc Kinh quân sự hoá Biển Đông và bắt nạt các nước làng giềng châu Á khi họ muốn khai thác trữ lượng dầu khí trên vùng biển này.

Không chỉ Đức, nhiều cường quốc khác như Pháp và Anh đã và đang đưa tàu chiến đến Biển Đông để gửi thông điệp và bảo vệ lợi ích của mình.

Các chuyên gia nói rằng quyết định này của Đức sẽ là một bước tiến quan trọng để Berlin triển khai định hướng chính sách về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà nước này thông qua từ năm ngoái để tăng cường hiện diện ở khu vực. 

Sun Keqin, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, nói rằng bước đi này của Berlin khiến Bắc Kinh lo ngại, vì Đức thường cẩn trọng khi sử dụng sức mạnh quân sự mà giờ lại muốn tăng cường quan hệ với Mỹ và NATO. 

Ông Sun nói rằng Trung Quốc không muốn sự hiện diện của cường quốc này ở khu vực. “Nhưng Đức muốn tăng cường hiện diện ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và đẩy mạnh hợp tác với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Nó cho thấy Mỹ đang hy vọng Đức sẽ gánh thêm trách nhiệm để gây sức ép với Trung Quốc”. 

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG