Đưa tuồng ra phố

Một vở tuồng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh
Một vở tuồng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh
TP - Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cho biết, tháng sau, Đà Nẵng sẽ đưa nghệ thuật tuồng đến với đông đảo khán giả bằng sân khấu ngoài trời ở bờ đông sông Hàn. Đà Nẵng là địa phương thứ hai trên cả nước (sau Khánh Hòa) mang loại hình nghệ thuật truyền thống này ra phố.

Theo kế hoạch, chương trình sẽ được tổ chức vào tối Chủ nhật hằng tuần, từ 19h đến 20h45, mỗi đêm sẽ biểu diễn các trích đoạn ngắn của một số vở. Ông Tuấn nói: “Việc diễn tuồng ngoài trời khác rất nhiều so với trong rạp. Người tới rạp xem thường là những người đam mê, thấu hiểu về tuồng, đòi hỏi chất lượng nghệ thuật phải đạt đến đỉnh cao.

 Trong khi đó, đỉnh cao của nghệ thuật tuồng lại không thể mang xuống phố phổ cập cho người dân và du khách. Mục đích của việc đưa tuồng ra phố là để mọi người làm quen, yêu thích, quảng bá và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống. Sau nữa là biến nó thành một chương trình phụ trợ cho sự phát triển của du lịch. Nói như vậy, không có nghĩa là diễn ở ngoài phố không chú trọng nghệ thuật của tuồng”.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã chuẩn bị nhiều phương án: trước giờ biểu diễn, các nghệ sĩ sẽ giới thiệu cách hóa trang nhân vật, vẽ mặt nạ ngay tại chỗ cho người dân và du khách; xen vào một số tiết mục múa dân gian, hòa tấu nhạc dân tộc trong chương trình; cho du khách thuê phục trang để chụp ảnh lưu niệm…

 “Nhà hát có đủ nhân lực, vật lực, lại được tổ chức biểu diễn ngay đầu cầu Rồng, trước giờ rồng phun lửa nên lượng người rất đông. Hơn nữa, khách nước ngoài luôn đánh giá rất cao nghệ thuật truyền thống. Với những lợi thế đó, tôi tin là sẽ duy trì được sân khấu tuồng ngoài phố, và hy vọng tuồng sẽ được tất cả mọi người yêu thích, chung sức bảo tồn”, ông Tuấn nói.     

Ngày 8/6, Bộ  VH, TT&DL công nhận nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

MỚI - NÓNG