Dưa được qua biên giới: Vẫn đủ đường thua thiệt

Dưa hấu xuất sang biên giới rồi vẫn bị loại và chê
Dưa hấu xuất sang biên giới rồi vẫn bị loại và chê
TP - Sau khoảng mười ngày chầu chực xếp hàng đến lượt thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), tiểu thương buôn dưa mừng rớt nước mắt khi nhìn thấy xe mình lăn bánh sang xứ người. Nhưng sang đến nơi, rồi họ mới hiểu, vẫn còn vô số những rủi ro, cay đắng đang chờ đón họ ở bên kia chợ Pò Chài (Trung Quốc).

Bị chèn ép

Chiều muộn, xe chở 30 tấn dưa của ông Trần Văn Tường (SN 1981 trú tại huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai), tập kết tại khu chợ hoa quả, sát vách núi trong chợ Pò Chài. Ông chủ người Trung Quốc tên là A Lam, 50 tuổi, dẫn theo 2 người tiến đến xe dưa mới chở đến. Biết là do “kẹt xe” nên A Lam không trách mắng, nhưng nét mặt không vui.

Sau khi cắt dây buộc bạt trên thùng xe ô tô, A Lam vẫy tay, tức thì có 5-7 cửu vạn trèo lên xe dưa, bới tung lớp rơm khô, kiểm tra từng quả. Họ lặng lẽ chuyền tay nhau những quả dưa to, tròn, cuống còn xanh, chưa chín kỹ, phần còn lại xếp đống bên cạnh.

Ông Tường thấy vậy, thắc mắc với A Lam. Chưa hết câu liền bị ông chủ Trung Quốc trợn mắt, chỉ xuống thành xe, nói một tràng bằng tiếng Việt lơ lớ: “Dưa chảy nước đây còn cãi à? Đã 9 ngày rồi, dưa thối hết, đáng lý không nhận quả nào. Nếu còn kêu cho xe quay đầu”. Ông Tường không nói thêm câu nào.

Những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn liên tục có văn bản gửi Bộ Công thương, các tỉnh trồng nhiều nông sản, hoa quả tươi thông báo tình hình ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu Lạng Sơn, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành trung ương chung tay, giúp sức cùng Lạng Sơn giải quyết nhanh, hiệu quả việc thông thương hàng hóa nông sản, hoa quả tươi qua biên giới.

Chiều 13/4, Biên phòng Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), cho biết: Hiện nay không còn cảnh xe ô tô chở hàng nông sản đỗ dọc tuyến đường từ Pác Luống đến khu vực cửa khẩu. Hiện còn khoảng 150 xe hàng (trong đó có 50 xe dưa hấu), đã vào bãi kiểm hóa, làm thủ tục thông quan sang Trung Quốc.

Sau gần 3 tiếng chọn lựa, số dưa được tiếp nhận, chuyển giao cho đối tác Trung Quốc chưa đầy 15 tấn, có nghĩa là phân nửa bị thải loại. Giá hôm nay, ông Tường bán được 2,4 tệ/kg (tương đương hơn 8.000VNĐ). “Tôi thương anh vất vả, nên không làm cao. Anh nhìn thấy người bên cạnh không, họ khổ hơn nhiều”. Ông chủ Trung Quốc nói.

Cạnh bên, trong dãy mái tôn được coi là “vựa” giao dịch dưa hấu. Từng đoàn xe Việt Nam đấu đuôi xếp hàng giao bán. Dưới nền đất la liệt dưa. Một số người Trung Quốc cầm cành cây chỉ chỏ, quát mắng nhặng xị.

Những quả dưa tốt, được họ cho vào hộp giấy cứng, mỗi hộp đựng một quả, đều tăm tắp, bề ngoài in nhãn mác bằng chữ Trung Quốc rất bắt mắt. Một người lái xe người Quảng Nam tên là Tư Cua kì kèo người mua phía Trung Quốc cho lấy nốt số dưa thải loại, dù không mất thêm một đồng bạc nào, liền bị mắng.

Đủ đường thua thiệt

Theo ông Tường, riêng chuyến dưa này, ông đã lỗ khoảng 200 triệu đồng. Bán được dưa rồi, vẫn còn những khoản chi phí khác cần phải giải quyết. Khi xe ra đến cổng chợ Pò Chài, là lúc bụng ông đói cồn cào. Ông quặt xe đỗ ven đường, trước một quán ăn có biển bằng tiếng Việt và tiếng Trung “Quán ăn dành cho chủ dưa”. Suất cơm ông ăn có tí thịt kho xì dầu quánh đen cùng đĩa rau xanh, bát nước canh rau luộc, giá 60.000 VNĐ. Ông bảo, đó là nơi quen biết, định suất ăn trước, nếu khách lạ, có thể mất trên 200 ngàn/suất.

Trước lúc nhập cảnh về Việt Nam, ông Tường đến khu đổi tiền. Số tiền ông vừa bán, đối tác trả bằng Nhân dân tệ. Theo ông Tường, một Tệ đổi được 3.380VNĐ; như vậy, so với bình thường, mỗi Tệ, ông bị mất 2 lai tiền phí quy đổi.

Cũng lúc này, xuất hiện 2 người đàn ông mặt rất “bụi bặm” đến gặp ông Tường. Một người nhận 4 triệu đồng, tiền ông thuê làm luật qua cửa khẩu. Người còn lại nhận 3 triệu tiền hoa hồng. Người này có công dẫn mối cho ông làm ăn với đối tác Trung Quốc. Theo thỏa thuận, nếu giao dịch thành công, chủ dưa Việt Nam phải chi 5 hào/tấn (tiền Trung Quốc) cho người mai mối.

Bà Vũ Thị Nguyệt, người kinh doanh dưa ở Lạng Sơn cho biết, bà phụ trách đầu mối dưa ở biên giới tỉnh này được 6 năm; những năm trước “bán xô” dễ dàng, giá cao; nhưng khi xảy ra ách tắc là chủ dưa Trung Quốc chọn lựa từng quả, thải loại dưa không tiếc tay.

Đến trâu bò còn ngán ăn dưa hấu

Hàng loạt tư thương buôn dưa trên địa bàn Quảng Ngãi bất ngờ dừng mua dưa đột ngột, giá rớt, dưa chín thối đầy ruộng, nhiều chủ hộ hái dưa về trâu bò, gia súc ăn nhưng không hết.

Dưa được qua biên giới: Vẫn đủ đường thua thiệt ảnh 1

Trâu “ngán” dưa vì quá nhiều. ẢNH: T.M

Theo ông Phan Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), người dân phản ánh tuần trước giá rẻ mạt vẫn có tư thương mua, giờ họ dừng đột ngột không dám thu gom vì cả nước triển khai cân trọng tải, xe chở ít, không có lời.

Khắp cánh đồng dưa Tịnh Trà, Tịnh Hiệp… khu Tây huyện Sơn Tịnh, dưa chất đầy nhà dân và chín nứt toác ở đồng ruộng. Người dân xót của, gom dưa về cho trâu, bò, gà, vịt ăn. Nhưng được vài bữa những loại gia súc, gia cầm này cũng ngán.

Theo các hộ dân, mỗi hécta dưa chi phí trên dưới 40 triệu đồng. Năm nay năng suất dưa cao đạt vài ba chục tấn/ha nhưng nông dân lỗ nặng vì dưa bán được ít, giá rẻ, thất thu nhiều. Mỗi hộ lỗ 2-3 triệu đồng/ sào dưa.

Nguyễn Huy - T.M

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.